Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

MỘT LẦN THEO CHÂN NGUYÊN SOÁI CÔNG BINH LIÊN XÔ S. AGANOV


Thời gian như một dòng thác bỗng chốc xóa nhòa tất cả từ cuộc sống cho đến ký ức. Thời gian cũng như mạch nước ngầm len lỏi trong kẽ đá, lặng lẽ bào mòn những kỷ niệm sâu xa. Quãng đời lính gần 6 năm chưa một lần trực tiếp cầm súng bắn quân thù của tôi chẳng có gì đáng kể nếu đứng bên những người lính ngực đầy huân chương và những người anh hùng trở về không lành lặn. Gần 6 năm cũng là một phần đáng kể của tuổi thanh xuân tôi chủ yếu tập tành, chém tre đẵn gỗ trên rừng làm doanh trại, phần còn lại của đời lính làm nhân viên câu lạc bộ thuộc ban tuyên huấn nhà trường, loong tong phụ quay rồi đi học. Dẫu là một người lính theo đúng nghĩa nhưng chưa một vết tích chiến công nhưng tôi vẫn cám ơn những tháng năm gian khổ ấy đã giúp cho tôi những trải nghiệm cuộc sống, hình thành tư duy quan sát để cùng những kiến thức học vấn sau này để làm nên những khuôn hình phim có ý nghĩa, những trang sách, bài báo, bức ảnh mang hơi thở từ cuộc sống. Cám ơn rất nhiều những năm tháng đời lính của tôi ...
Nhớ lại ngày tòng quân, lính mới cứng chúng tôi gọi mấy anh binh nhất là ... thủ trưởng
. Sau lần xỏ giầy làm lính huấn luyện nhìn và sợ A, B, C trưởng hơn sợ cha, chào thủ trưởng trung đoàn, sư đoàn như ngước lên mặt trời. Nhưng rồi theo năm thánh mọi thứ đều trở nên bình thường, với anh em đồng đội trên dưới dần trở nên thân thương. Lính mà.
Quả thật trong đời lính tôi có 1-2 lần gặp một người quen cũ là anh Tào là sư phó sư 354. Sau này may mắn hơn được gặp và gần gũi với vị đại tá hiệu trưởng một trường đại học trong quân đội. Gần gũi đến mức thứ 7 hàng tuần ông còn cho ngồi lên Uat chở về Hà Nội để làm mối tôi với cô con gái nhà hàng xóm bạn ông. Và cô ấy rồi cũng được mệnh danh là "sư tử cái Hà Đông" trong nhà tôi hiện nay. 
Cứ tập tọe chụp ảnh, phụ quay phim rồi không ngờ lại có dịp chạy theo một vị nguyên soái từ Liên Xô đến. Thời 1980- 1990 quan hệ Việt Nam- Liên Xô là hòn đá tảng. Các ngành đều có chuyên gia Liên Xô, trong quân đội có cố vấn Liên Xô tới cấp quân khu, quân binh chủng. Trong kháng chiến chống Mỹ Liên Xô và Trung Quốc là anh Cả, anh Hai của phe Xã hội chủ nghĩa. Liên Xô và Trung Quốc giúp ta từ tên lửa, xe tăng, súng đạn cho đến áo quần, thịt hộp, bột mỳ để miền Bắc làm hậu phương cho miền Nam đánh Mỹ- Ngụy. Liên Xô và Trung Quốc thân thiết đến nỗi có cả những câu vè vui trong dân gian 
Ông Liên Xô
Bà Trung Quốc 
Ông đi guốc
Bà đi giầy
Ông nhảy dây
Bà đá bóng 
Ông chiếu bóng
Bà quay phim
Ông giật mìn
Bà ngã ngửa 
.... 
Quan hệ Trung- Xô từ đồng chí anh em những năm 50-60 thế kỷ trước trở nên căng thẵng, coi nhau như kẻ thù từ giữa thập kỷ 60. Việt Nam như bơi giưã hai làn nước một thời gian dài, đến những năm 70 trở đi thì buộc phải dựa hẳn vào Liên Xô. Khi kháng chiến chống Mỹ gần thắng lợi mối quan hệ ruột thị Việt - Trung thành ra môi hở răng lạnh. Thế là ta mất Hoàng Sa. Sau khi Sài Gòn giải phóng, Trung Quốc ủng hộ diệt chủng Pôn Pốt rồi 17/2/1979 tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam; Thế là răng cắn vào môi ... Trung Quốc coi Liên Xô theo chủ nghĩa bá quyền trên thế giới, còn Việt Nam là "tiểu bá" khu vực ... 
Nhờ có Liên Xô ta có máy bay tên lửa, chiến thắng B52. Liên Xô giúp Việt Nam sức mạnh vật chất và tri thức để chiến đấu và xây dựng đất nước. Liên Xô là thần tượng về xã hội tươi đẹp, về tình quốc tế vô sản. Chả thế mà hình ảnh đất nước và con người Liên Xô trên họa báo, trên phim ảnh, ca khúc... luôn được người Việt Nam háo hức đón đợi. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam được Liên Xô ủng hộ tuyệt đối từ những ngày đâù tiên. Chuyến công tác của Nguyên soái Công binh Liên Xô Sergey Hristoforovich Aganov (Tháng 6-7/1984) là một trong rất nhiều những hoạt động cụ thể của quân đội Liên Xô tại Việt Nam. Dù chỉ là anh phụ quay tập sự cầm đèn đeo ắc quy
xút ăn da” (Ắc quy chứa nước xút ăn da, hộp gỗ, nặng và rách việc nếu nước xút rây ra áo quần) theo chân quay phim Đỗ Mạnh Đức nhưng tôi cũng được biết đoàn sang để giúp ta trong các lĩnh vực cầu phà thời chiến và công trình ngầm ở biên giới phía Bắc để phục vụ chiến đấu chống Trung Quốc ...Nhiệm vụ quay phim tư liệu Nguyên soái công binh Liên Xô sang thăm và làm việc tại Việt Nam do Xưởng phim quân đội nhờ Điện ảnh Bộ đội Biên phòng thực hiện. Công việc đặc biệt quan trọng. Hơn thế nữa hồi ấy ai nhìn các đồng chí chuyên gia dân sự, cố vấn quân sự Liên Xô thuở ấy cũng đều quý mến và ngưỡng mộ. Huống chi đây là lần đầu tiên có một vị Nguyên soái binh chủng từ Liên Xô đến. Về sau sang Liên Xô học chúng tôi được biết thêm trong quân đôi Xô Viết đứng đầu là các Nguyên soái Liên Xô, sau nữa là các Đại tướng quân đội, mỗi quân binh chủng như thiết giáp, thông tin, tên lửa, phòng không, không quân ... đều có một vị nguyên soái tư lệnh binh chủng. 
Từ sáng sớm chúng tôi đã tập trung tại Bộ Tư lệnh Công binh. Một đoàn xe quân sự hùng hậu chưa từng có thời ấy gồm hơn 40 xe uat, dẫn đầu là mấy xe của cán bộ quân sự cấp cao quân đội Việt Nam, xe Bộ Tổng tham mưu, Tùy viên quân sự Liên Xô ... xe dẫn đường, xe thông tin, xe đội danh dự ... như một cuộc diễu binh lớn hùng dũng tiến đến Nội Bài đón Nguyên soái. 
Sân bay Nội Bài hồi ấy mới thành lập, nhà ga chưa đồ sộ như bây giờ bỗng nhiên được trang hoàng bởi một cuộc nghi lễ gần như cấp quốc gia. Lớp lớp chiến sỹ thẳng tắp bồng súng đứng chào, đôi hàng nghiêm trang là các sỹ quan cấp cao của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, của binh chủng công binh do Thiếu tướng Tư lệnh Trần Bá Đặng dẫn đầu. Phóng viên quay phim, chụp ảnh, cây viết thì nhiều không đếm xuể. Tuy nhiên nghi lễ đón rước cấp cao nhất của nhà binh đã không diễn ra vì lẽ S. Aganov và các tùy tùng của ông đều ăn mặc dân sự sang Việt Nam trong một chuyến bay của Hàng không Xô Viết Aeroflot. Sau khi hành khách chuyến bay xuống hết, Nguyên soái Aganov lớn tuổi nhất cùng các sỹ quan trong đoàn mặc áo khoác sáng với bộ đồ trắng như các chuyên gia xô viết bình thường ở Việt Nam bước xuống cầu thang máy bay. Sau vài lời hỏi han, nhận dạng các thành viên phái đoàn cũng được nhận những cái bắt tay kèm theo bó hoa tươi thắm rồi lên xe. Tiếng còi hụ của xe dẫn đường lại vội vã đưa đoàn xe hơn 40 chiếc rồng rắn quay trở về đường Đội Cấn. 
Cuộc đón tiếp trọng thể được diễn ra tại Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh. Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Lê Ngọc Hiền, Tư lệnh Binh chủng Công binh Việt Nam cùng nhiều tướng tá khác. Về phía bạn còn có Tùy viên Quân sự Liên Xô tại Việt Nam, thiếu tướng Đavưđôp (Hình như ...). Đi theo Nguyên soái Aganov còn có 4-5 sỹ quan cao cấp nữa, trong đó có hai đại tá cầm theo các sổ tay nhỏ, máy ảnh Zoorki, Kiev ghi chép và chụp lia lịa các bản đồ quân sự của ta mới được căng ta để trình bày. Sau khi chào đón đồng chí Nguyên soái Tư lệnh binh chủng, Trung tướng Lê Ngọc Hiền mời các vị khách quý uống nước và ăn nhẹ hoa quả và bánh trái. Ông còn chân tình nói:- Mời các đồng chí ăn món lạc rang nhưng nhớ ăn cả vỏ cho dễ tiêu (?)... Chỉ sau đó chưa đến 10 phút, mọi người chưa kịp nói chuyện và ăn nhẹ xong đã được mời làm việc ngay. Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng còn nhẹ nhàng nói: - Các cháu quay phim chụp ảnh ra ngoài, không được chụp vì trong phòng có các bản đồ quân sự.
Lạ nhỉ ? Các bạn thì chụp vô tư, còn với ta thì giữ bí mật (?) 
Những ngày sau tôi còn được đi theo anh quay phim Đỗ Mạnh Đức quay các hoạt động của đồng chí Nguyên soái tại Trường Kỹ thuật Công Binh ở Trung Hà, đến một lữ đoàn công binh (Ở đâu đó gần Hà Nội giờ tôi không nhớ). 
Đi theo đoàn làm việc của Nguyên soái Aganov có vài buổi nhưng tôi cũng có bài học nhớ đời của anh phụ quay trẻ dại đi học nghề. Mang theo 2 đèn thái dương cầm tay 2500 w rất sáng và nóng, tôi luôn "sáng tạo" dùng cả hai, tay dùng đèn chiếu một bên cho có ánh sáng chủ, tay kia chiếu sáng thuận theo hướng ống kính. Tại hội trường Trường Kỹ thuật Công binh, sự máy móc của tôi đã gây ra sự cố không đang có. Khi anh Đức giương máy quay lên chực bấm, tôi đứng ngay gần Nguyên soái bật 1 lúc cả 2 đèn. Chuẩn bị bắt đầu bài phát biểu, Aganov lặng người 1 chút, chắc vì lóa mắt, rồi ông nói: 
- Đề nghị không chiếu thẳng đèn vào mắt tôi. 
Cả hội trường vài trăm người ngồi phía dưới cười ồ... Tôi ngượng quá ! Ngượng đến tận bây giờ. 
Trước khi đoàn rời Hà Nội anh Đức còn được giao quay buổi Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Lê Trong Tấn tiếp đoàn Công binh Liên Xô tại nhà khách Bộ Quốc phòng 33 Phạm Ngũ Lão. Chiếc máy ARRI2 hàng ngày anh quay không ai để ý, nhưng tối hôm đó bỗng kêu to như chiếc máy cưa đá. Có lẽ do hàng ngày nó ghi hình trong điều kiện ồn ào, khách khứa nhộn nhịp, khác với không khí yên tĩnh của phòng tiếp khách tối hôm đó. Đây là chiếc máy quay chiến lợi phẩm tại chiến trường Campuchia do một phóng viên Thái lan bỏ của chạy lấy người trong chiến sự. Sau đó nó được giao cho các phóng viên điện ảnh Công an vũ trang, sau này là Điện ảnh Bộ đội Biên phòng ... 
Cũng như tôi được chứng kiến tại chiến trường Hà Giang trước đó. Phái đoàn bạn sang Việt Nam làm việc đi đâu cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Điều đó các đồng chí Liên Xô rất cảm động. Phía bạn rất giản dị và chân thành. Trong khi Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam tặng quà gì đó hộp xanh đỏ rất đẹp cho phái đoàn Liên Xô thì Nguyên soái Aganov tặng ta chiếc xẻng công binh bình thường bọc trong gói giấy màu xi măng- món quà bình thường quá đỗi nhưng cũng đủ ý nghĩa biểu tượng. Các thành viên phái đoàn ngại nhất trong chuyến đi nhất là khoản "đánh chén" linh đình, ăn uống thậm chí còn hơn cả náo nhiệt nữa. Đến cũng chén, đi cũng ... lại chén. Tôi nhìn thấy các vị khách quý mấy lần nhìn nhau mắt tròn xoe cứ mỗi lần thấy mâm bát ...
Tập quán cỗ bàn khách 3 chủ nhà 7 còn được nối tiếp và phát huy hiệu quả chiều rộng cũng như chiều sâu cho đến tận ngày hôm nay. 
Theo kế hoach, anh Đức và tôi còn được lên máy bay quân sự ra Cam Ranh nhưng đến phút chót phía bạn không đồng ý nhiều thành phần ăn theo của ta. Cam Ranh hồi ấy hoàn toàn là căn cứ quân sự của Liên Xô, có tàu ngầm cùng nhiều khí tài đặc biệt khác mà Việt Nam chưa có. Phải 10 năm sau, khi học xong về nước, tham gia đoàn phim tái liệu nhựa "Đường mòn trên biển Đông" tôi mới được cùng các đạo diễn Lê Thi, Phạm Huyên, các nhà quay phim Lưu Quỳ, Nguyễn Tuấn, Xuân Tình đặt chân đến Cam Ranh, đi trên đường băng sân bay quân sự tại vịnh biển đặc biệt quan trọng về mặt quân sự này. Liên Xô khi đó đã tan rã và nước Nga đã rút sự hiện diện quân sự tại vùng đất này.