Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

TÍNH HIỆN THỰC CỦA ẢNH BÁO CHÍ

Thạc sỹ Lê Minh Yến


Ảnh báo chí là khuôn mặt của thế giới! Mỗi bức ảnh là một mảnh ghép của hiện thực, trong đó có đầy đủ những nỗi đau, nỗi mất mát, hay sự đồng cảm, sẻ chia của công chúng toàn thế giới khi đón nhận những thông điệp đầy trách nhiệm của người cầm máy. Từ khi khai sinh, ảnh báo chí đã lấy hiện thực xã hội và con người làm nội dung. Ảnh báo chí cung cấp cho công chúng những hình ảnh chân thực, sống động, quen thuộc diễn biến xung quanh họ. Năng lực phản ánh hiện thực của ảnh báo chí thể hiện qua những điểm sau đây:
Tính tư liệu: Từ  thuở bình minh của nhiếp ảnh đã được xếp vào bộ môn tạo hình với vai trò duy nhất là ghi chép thực. Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới (FIAP) viết thuật ngữ đầu tiên trong ba thuật ngữ trên lá cờ của mình là khoa học. Khoa học là trung thực, khách quan của hình ảnh. Mỗi bức ảnh báo chí đều là một sản phẩm tư liệu có giá trị. Nó là một chứng cứ hay một sự thật được xác thực.
Hiểu một cách giản đơn thì hình ảnh là kết quả phản quang của đối tượng, được định hình trên phim hay thẻ nhớ của máy ảnh. Hệ thống cơ khí, quang học, của thân máy và ống kính đã giúp cho từng điểm trên hình ảnh ăn khớp với từng điểm của đối tượng chụp theo một tỷ lệ toán học nhất định. Chính nhờ yếu tố kỹ thuật đó mà vật chụp và ảnh có sự đồng dạng. Đó chính là đặc điểm tự nhiên của nhiếp ảnh, và đó là yếu tố quyết định để nhiếp ảnh nói chung và ảnh báo chí nói riêng mang tính chân thật mà không một môn nghệ thuật nào có được. Mặt khác, nhiếp ảnh không thể và không bao giờ phản ánh được cái hư vô, cái trừu tượng, cái phi vật chất. Nhiếp ảnh chỉ ghi nhận được những vật tồn tại, mang tính vật chất, khách quan mà quang học thu nhận được. Nói rõ hơn, nhiếp ảnh chỉ chụp được những hình ảnh nhìn thấy, sờ thấy. Sự chính xác gần như tuyệt đối về mặt hình họa là cơ sở tạo ra tính tài liệu của ảnh”. Ngày nay, chúng ta không còn phải phỏng đoán khi nhìn lại quá khứ, bởi ta đã có trong tay chiếc máy ảnh.
Nhiếp ảnh là nơi lưu giữ kí ức cho loài người về những sự kiện, cuộc đời, di sản của một thời đã qua. Thông qua nhiếp ảnh, người ta có thể trả lời được câu hỏi muôn thuở ám ảnh cả đời người “Con người, chúng ta là ai?”; “Chúng ta từ đâu đến?” và “Chúng ta đi về đâu?” (Eugène Henri Paul Gauguin).
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói: “Nghệ thuật nhiếp ảnh là biến một khoảng khắc trở thành vĩnh viễn, một hoạt động lưu giữ lâu dài. Có lẽ vì thế nó như một duyên nợ với sử học. Chúng tôi luôn coi nhiếp ảnh là chép sử bằng hình”.  Khi nhìn nhận về sự phát triển của nhiếp ảnh báo chí ở Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng ảnh báo chí chính là chứng nhân của lịch sử, khắc họa chân thực trong những thời điểm hào hùng hay bi tráng bậc nhất của dân tộc. Nhờ những bức ảnh đi cùng năm tháng mà mỗi người Việt Nam biết rõ sức mạnh nội tại của cá nhân và của dân tộc mình, tiếp tục hằn sâu vào tâm tưởng cho những thế hệ kế tiếp.

Đồng thời thế giới hiểu biết Việt Nam qua những hình ảnh sinh động không hề bị rào cản ngôn ngữ chi phối. Những hình ảnh lịch sử của Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc Lận tại Quảng trường Ba Đình 2-9-1945, xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 trải qua hàng chục năm vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử.

Nhiếp ảnh là công cụ tích cực cho các ngành khoa học, kỹ thuật, lịch sử, văn hóa, xã hội…Ở nhiều quốc gia, ảnh tư liệu đóng vai trò tích cực trong việc ghi nhận những thành tựu có giá trị của xã hội. Nhờ đó mà những bức ảnh Tên lửa vũ trụ trên bệ phóng (Tư liệu Liên Xô cũ), Bề mặt mặt trăng (Tư liệu Liên Xô cũ), Hỡi loài người hãy nhớ đến Hirishima (Tư liệu Nhật Bản)…đã đi cùng thời gian, làm phong phú cho kí ức của nhân loại. Theo nhiều nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh thì sự tồn tại của nhiếp ảnh trước hết là do tính tài liệu. Thiếu vắng nó, ảnh báo chí sẽ chỉ là hình ảnh trang trí, ít giá trị. Nhưng để cảm hóa lòng người, tính tài liệu cũng cần được xem xét với tính nghệ thuật của ảnh, từ đó đem đến cho công chúng những sản phẩm không chỉ đẹp hình thức mà còn giàu giá trị lịch sử, nhân văn sâu sắc.
Nhiếp ảnh  phản ánh chân thực bản chất của hiện thực: Đây là những bức ảnh báo chí phản ánh sâu sắc, chân thực nỗi ám ảnh của con người về những vấn đề đương đại.


Cô bé Omayra Sanchez đang mắc kẹt trong bùn đất và đống đổ nát của các toà nhà sau vụ lở đất khủng khiếp tại Colombia. Núi lửa Nevado del Ruiz phun trào năm 1985 đã tàn phá các thị trấn xung quanh và giết chết 25.000 người. Omayra đã chết do hạ thân nhiệt và hoại tử trong sự bất lực của quan chức chính quyền trong việc cứu hộ các nạn nhân của thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất tại Colombia (Phóng viên: Frank Fournier). 

Bibi Aisha, 18 tuổi, đến từ tỉnh Oruzgan, Afghanistan đã bị tòa án Taliban phán quyết xẻo tai và cắt mũi và bị bỏ rơi khi cô này cố bỏ trốn về nhà để thoát khỏi người chồng bạo lực. Hình phạt được do chính chồng cô thực hiện. May mắn thay, Bibi đã được các nhân viên cứu trợ giúp đỡ. Sau khi ở lại Kabul vài tháng, cô được đưa sang Mỹ để phẫu thuật lại. Hiện tại Bibi Aisha đang sống ở Hoa Kỳ (Phóng viên: Jodi Bieber).

Một thầy tu người Tây Tạng ném thi thể một đứa trẻ xuống giàn hỏa táng được làm trên một cái rãnh ở thị trấn Jiegu, huyện Yushu, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) sau khi xảy ra trận động đất 7,1 độ richter ngày 19/4/2010 làm hơn 1.400 người thiệt mạng. (Phóng viên: Ni Yuxing/EPA)
Một thầy tu người Tây Tạng ném thi thể một đứa trẻ xuống giàn hỏa táng được làm trên một cái rãnh ở thị trấn Jiegu, huyện Yushu, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) sau khi xảy ra trận động đất 7,1 độ richter ngày 19/4/2010 làm hơn 1.400 người thiệt mạng. (Phóng viên: Ni Yuxing/EPA)
Đó là những sự thật mà ảnh báo chí hàng ngày đã ghi nhận!
Cố nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Ảnh là sự thật thu nhỏ lại”. Nhiếp ảnh là tấm gương soi của hiện thực. Do đó, bản chất của hiện thực mà nhiếp ảnh tìm về chính là lột đi cái vỏ bọc bề ngoài, bớt đi những chi tiết dư thừa, để nhìn ra một gương mặt mới, cao lớn và đẹp đẽ hơn. Nói cách khác, nhiếp ảnh là sự chắt lọc và cô đọng hiện thực, chỉ bản chất hiện thực được sáng rõ. Chẳng ai còn bận tâm về kỹ thuật máy móc mà chỉ đặt niềm tin tuyệt đối vào chính cái nó chớp được.
Nhiếp ảnh báo chí là thông tin. Nó cung cấp cho người đọc những cứ liệu xác định về cuộc sống, con người, sự kiện, sự việc đang diễn ra dưới sự chứng kiến của nhà báo. Những thông tin trong ảnh và chú thích ảnh được tác giả diễn tả khách quan, bản chất, thể hiện đúng đặc trưng, thời điểm điển hình của đối tượng, sự việc, sự kiện. Tuy nhiên, nhiếp ảnh báo chí không chỉ dừng lại khả năng sao chép hình hài sự kiện, mà còn lột tả bản chất, thấu hiểu và đồng cảm với sự kiện. Nó kêu gọi lương tâm và thúc đẩy hành động trong sâu thẳm nhận thức và tình cảm mỗi người muốn lắng nghe sự thật đằng sau mỗi hiện tượng mà họ nhìn thấy. Bức ảnh báo chí tiêu biểu luôn chứa đựng tính đa nghĩa: một là, bản thân sự kiện được tái dựng; hai là, mối quan hệ của sự kiện đó trong tổng thể vấn đề hiện thực của xã hội. Hàm lượng thông tin chứa đựng càng phong phú, giải đáp được nhiều câu hỏi của độc giả thì nó càng giá trị.
Khi bản chất hiện thực được sáng rõ, thì sức lôi cuốn, ảnh hưởng của ảnh báo chí càng lay động tâm lý, thuyết phục nhận thức của công chúng. Đó là trường hợp bức ảnh của tác giả Malcolm W. Browne –AP, khi ông ghi nhận hình ảnh lịch sử hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt vào ngày 11-6- 1963, nhằm phản đối chính sách phân biệt đối xử tôn giáo của Diệm. Sau khi xem tấm hình, Tổng thống Mỹ Kennedy bừng bừng tức giận cho gọi Henry Cabot Lodge, người chuẩn bị rời khỏi Sài Gòn trên cương vị Đại sứ Mỹ và tuyên bố: - Những chuyện đại loại như thế này phải chấm dứt (“This sort of thing has got to stop”). Và giây phút đó chính là thời khắc bắt đầu cho việc nước Mỹ chấm dứt sự ủng hộ đối với chính quyền Ngô Đình Diệm.

Từ phía bên kia của địa cầu, những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình đã đứng về phía Việt Nam. Ngày 21/10/1967 tại Hoa Kỳ đã diễn ra Cuộc xuống đường lớn ở Washington nhằm biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam.

Nhân vật trong tác phẩm “Thiếu nữ cầm bông hoa” của tác giả Marcrimoun là Janerose tay nâng niu bông hoa, tiến về nhóm cảnh vệ, “Những người lính lẩn tránh ánh mắt của tôi. Tôi không hề có ý khiêu khích họ, tôi chỉ muốn nói với họ đôi chút về tình yêu”- Janerose chia sẻ . Súng ống, lưỡi lê – cô gái và bông hoa cúc trắng khiến người xem phải suy nghĩ thật nhiều.
Nếu ai cũng được xem và đọc chúng, sẽ không có các cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan, đó là những gì người ta nhận xét về vai trò của nhiếp ảnh. Nếu tất cả mọi người đều đồng cảm với những số phận con người trong chiến tranh, chứng kiến sự bấp bên giữa sự sống và cái chết của người thân và chính mình thì sẽ không còn tồn tại các cuộc chiến vô nghĩa. Mỗi một bức ảnh báo chí xuất sắc đều là tiếng nói đanh thép bài trừ cái xấu, cái ác, bảo vệ tự do và hạnh phúc vốn có của con người.
Hiện thực nhiếp ảnh là trí tuệ, tình cảm, năng lực thẩm mỹ, xã hội, và quan điểm, thái độ chính trị của người cầm máy:  Trong lần tường thuật tang lễ của Mẹ Theresa tại Ấn Độ cùng với hàng trăm đồng nghiệp khác, nhà báo Longstreath đã có một trải nghiệm đầy xúc động. Đối với nhiều người, đặc biệt là những người bần cùng và vô gia cư, Mẹ Theresa là một vị thánh sống. Trong khi chụp ảnh, Longstreath nhìn thấy một cậu bé bụi đời, tay ôm bó hoa nhỏ đang dầm mưa đến viếng linh cữu Mẹ Theresa. Đôi mắt đầy cô đơn, lạc lõng của cậu bé đã ám ảnh ông. “Dù cậu ta có thể nghèo khổ và tuyệt vọng, nhưng cậu ta vẫn là con người. Chính cái tình cảm của cậu bé dành cho Mẹ Theresa là điều rất quan trọng đối với cậu ta. Qua ánh mắt cậu bé, ta nhìn thấy được tâm hồn cậu”- Longstreath nhớ lại. Hoa hồng đỏ thắm, thân thể ướt lạnh và đôi mắt xoáy thẳng vào độc giả gây nên một cảm xúc mạnh mẽ, ám ảnh.

Ảnh báo chí là hiện thực được ghi lại trong một phần phân số nhỏ của giây. Nhưng đó là một giây đọng lại của ngàn ngày trải nghiệm phía trước, ghi dấu trí tuệ, tình cảm, năng lực của người cầm máy.
Nhà báo Nguyễn Thành, nguyên Thư ký tòa soạn Báo ảnh, Thông tấn xã Việt Nam khi nói về ý nghĩa của sự trải nghiệm của nhà báo đối với thành công của nghề nghiệp đã cho rằng: “Phải gắn mình vào thực tế cuộc sống, ng­ười cầm máy mới có đư­ợc vốn sống phong phú, mới phát hiện mau lẹ mọi diễn biến của hiện thực để chớp lấy những khoảnh khắc vĩnh cửu của sự kiện”.
Xét trên mọi phương diện, tính hiện thực của ảnh báo chí phụ thuộc rất lớn vào con mắt chính trị, ý thức giai cấp và kỹ năng thể hiện của người làm báo nhiếp ảnh. Đặc tính này khiến nhiều tổ chức đã lợi dụng nhiếp ảnh vào các chiến dịch bôi nhọ hoặc vu cáo các nhà hoạt động chính trị - xã hội, các tổ chức đối lập.
Chúng ta có trong tay 3 tấm ảnh của 3 phóng viên nước ngoài chụp cảnh hành hình người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi ở công trường Cát khám Chí Hoà, ngày 16/10/1964. Một, Nguyễn Văn Trỗi cao hơn nửa cái đầu so với người đứng xung quanh, góc độ ngửa máy chụp lấy mặt người tử tù làm trung tâm, hai khuỷu tay bị trói giật ra sau, khuôn mặt và cánh tay như nói, trong khi các nhà báo vây quanh cặm cụi ghi chép. Hai, một thân hình quỵ chân ngọeo đầu, giữa ngực áo trắng, dòng máu chảy loang lổ, còn đứng được nhờ dây trói vào cột xử bắn, trơ trụi giữa bãi vắng. Ba, cái xác chết kia hoàn toàn sụp đổ dưới đất. Ở bức ảnh thứ nhất của tác giả Doidaixuke, Nhật Bản, người xem thấy khí tiết ở người tử tù trong những giây phút cuối cùng trước mặt kẻ thù vẫn giữ ý chí tiến công. Ở 2 ảnh sau, cái chết thảm hại cho bất cứ người nào chống lại quân xâm lược!
Báo chí là nghề nguy hiểm. Nhưng phần nguy hiểm nhiều hơn dành cho nghề nhiếp ảnh! Trong cuốn sách ảnh nổi tiếng “Lễ cầu siêu” của hai nhà nhiếp ảnh lừng danh Horst Fass và Tim Page đã ghi nhận có 135 nhà nhiếp ảnh đã hi sinh khi cố gắng để cho thế giới biết đến sự thực về cuộc chiến tranh tại Đông Dương. Ông Host Faas - Trưởng ban biên tập ảnh AP tại London cũng chia sẻ: “Sự tàn khốc là chuyện như cơm bữa. Nếu ta muốn làm điều gì về chuyện này thì phải làm cho người khác thấy được sự thật đó”. Dẫu có thể tử nghiệp, họ vẫn dấn thân, ăn bờ ở bụi, sống trong lòng cuộc chiến và chấp nhận bị thương hay cái chết như những người chiến sĩ hoặc là nạn nhân xấu số, vô danh trên chiến trường. Bởi lẽ, nếu như những tấm ảnh của họ có thể lột bỏ được cái vỏ của sự dối trá, những đồng nghiệp và công chúng sẽ có được cuộc sống bình an.
Sự hi sinh của các nhà báo làm ảnh đã được đền đáp: Nhiều người, nhất là một số cựu chiến binh Mỹ, đã cảm ơn tôi, nói với tôi rằng nhờ bức ảnh của anh, tôi đã không phải đi lính ở Việt Nam, tôi rất mừng bởi bức hình đó đã tố cáo chiến tranh Việt Nam” - Nick Út, tác giả bức ảnh "Vietnam Napalm Girl" - cô gái Việt Nam bị bom Napalm chia sẻ.
Vợ của cố nhà báo Kyoichi Sawada, phóng viên hãng thông tấn UPI tâm sự: “Chính những bức ảnh là minh chứng hùng hồn nhất cho những bi kịch của chiến tranh tại Việt Nam, chúng góp phần làm nên tên tuổi cho chồng tôi. Nhưng cũng gây cho ông rất áp lực khiến ông mắc chứng trầm cảm”. Kyoichi Sawada đã hy sinh tại chiến trường Campuchia khi đang cố gắng thông tin thêm cho công chúng về diễn biến cuộc chiến tại nước này.
Đó là một sự thật khác- Ngoài ảnh !
L M Y 

Tài liệu tham khảo:
1.     Nguyễn Đức Chính (2002), Nhiếp ảnh sáng tạo, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
2.     Brian Horton (2004), Ảnh báo chí, Người dịch Trần Đức Tài, NXB Thông tấn, Hà Nội.
3.     Nguyễn Thành, Cái tôi tiềm năng sáng tạo trong nghệ thuật nhiếp ảnh, số 121, Tạp chí Thông tin Khoa học Sân khấu, Điện ảnh.
4.     Youtube, Làng nghề nhiếp ảnh
5.     www. Toquoc.gov.vn, Phóng viên ảnh báo chí cần tôn vinh xứng tầm,
6.      www. Xaluan.com, Những bức ảnh chiến tranh gây nhức nhối lương tri,
7.     www.baochi vietnam.com.vn, Ảnh báo chí phải là chiếc gương không biến dạng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét