NSƯT, ThS Phạm Thanh Hà
Nhiếp ảnh gia muốn có được các bức
ảnh sống động có chiều sâu như thực, hay nói một cách khác là tạo dựng một không gian ba chiều, khơi gợi được trí tưởng tượng, tâm thức
của người xem thì một trong những công việc đầu tiên là phải nắm vững các thủ
pháp phối cảnh.
Trong hội họa, quy tắc phép phối cảnh
tuyến tính được mô tả bởi danh hoạ vĩ đại người Italia Leonardo da Vinci từ thế kỷ 15. Lý thuyết được
biểu hiện qua tác phẩm của ông cho thấy các đường nét thực tế khi hiện lên trên
võng mạc được hội tụ tại một số điểm sẽ đem lại hiệu quả chiều sâu trong không
gian và những ảo giác về nhận thức. Hình ảnh đối tượng trên võng mạc thu được
càng nhỏ nếu đối tượng đặt càng xa mắt. Với họa sỹ trên đường ngang, cùng mức
với mắt, xác định điểm được gọi là điểm hội tụ chính, nơi gặp nhau của tất cả
các đường nét có thể gọi tắt là Tụ điểm.
… Bức tranh “Bữa ăn tối cuối cùng” của ông là một minh chứng về phối cảnh tuyến
tính.
Theo hình học phẳng Ơ-clit,
hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Nhưng nếu đứng giữa một đường
tàu hỏa hay một con đường nhìn về phía trước, mắt ta dường như thấy hai thanh
đường ray xe lửa hay hai bên mép đường sẽ chập vào nhau ở đâu đấy phía trước.
Sự thực là hai bên đường không gặp nhau,nhưng mắt người chịu sự chi phối bởi
một quy luật khác. Đôi mắt chúng ta là một hệ thống quang học, hình ảnh bên
ngoài được nhận thức nhờ các chùm sáng phản hồi vào võng mạc rồi tái hiện nhờ
các đầu dây thần kinh. Hình ảnh tái hiện trong võng mạc càng ở xa càng bị thu
nhỏ lại.
Luật
viễn cận không chỉ cho thấy hình ảnh các đường ngang song song như hội tụ vào
một điểm phía trước, mặt khác tuy hai vật
có cùng kích thước nhưng vật thể đằng trước trông lớn hơn vật thể đằng sau. Điều
đó cũng đúng nghĩa đối với hai vật thể cùng một chiều cao nhưng vật thể phía
sau sẽ thấp hơn vật thể đằng trước và sẽ càng thấp nữa nếu nó tiếp tục lùi tiếp
về phía xa.
Bữa ăn tối cuối cùng- Leonardo da Vinci |
Phương
pháp biểu hiện không gian truyền thống của nghệ thuật tạo hình phương Tây và
hiện đại là thấu thị tiêu điểm xa,
rất phù hợp với tạo hình quang học của nhiếp ảnh và điện ảnh. Người chụp ảnh và
người quay phim còn được thông qua các loại ống kính để ghi lại và sáng tạo
những hình ảnh ấn tượng hơn khi chúng ta chỉ quan sát bằng đôi mắt thường ngày.
Lý
thuyết của nghệ thuật thị giác cho thấy đường nét được nối từ các điểm tạo nên
không gian một chiều. Mặt phẳng do các đường ngang dọc không cùng phương tạo
nên chiều thứ hai. Mặt chiều sâu vuông góc với mặt phẳng ngang cấu thành thể
khối tạo thành không gian ba chiều. Nói tóm lại, không gian lập thể được tạo
bởi Điểm- Đường-Mặt phẳng. Nếu dùng hình ảnh biểu hiện trên mặt phẳng thì phải
dựa vào tác dụng của thị giác đối với ấn tượng của hình ảnh.
Cấu tạo võng mạc mắt- Chú thích: Phạm Thanh Hà |
Để đem lại cho cuộc sống một bức
tranh sắc nét như thế, nhà nhiếp ảnh cần sử dụng hiệu quả các phép phối cảnh
nữa là: trước đậm sau nhạt, ánh sáng bóng
tối và gần ấm xa lạnh. “Trong ba phép phối cảnh này thì cái đầu tiên được
thực hiện bởi đôi mắt, còn hai cái còn lại là các tác phẩm ở giữa không trung,
nằm ở giữa mắt và các đối tượng có thể được nhìn thấy bằng mắt” – Leonardo da
Vinci đã viết.
Trước đậm sau nhạt: Giới hạn nhìn xa của thị giác được xác định bằng cảm thụ nhìn rõ hay mờ.
Trong hội họa dùng vật ở gần rõ nét, vật xa nhòe mờ để biểu hiện độ sâu không
gian, được gọi là thấu thị không khí.
Đối với nhiếp ảnh, chiều sâu không gian
không chỉ được tạo ra bởi tỷ lệ của vật thể gần mà còn phụ thuộc vào độ đậm
nhạt của các lớp cảnh. Nó làm khoảng cách với các chi tiết nhỏ tăng lên, kết
quả là dẫn đến sự suy giảm khả năng nhìn nhạy bén và xuất hiện màn sương mù
trên không trung. Vào những ngày sương mù độ đậm nhạt của lớp cảnh vật trước và
sau phân biệt rõ rệt. Phía trước như sẫm hẳn lại so với hậu cảnh mịt mờ gần như
mất hẳn chi tiết nhưng vẫn còn giữ được hình bóng.
Hạ Long sáng nay- Phạm Thanh Hà |
Ánh sáng- Bóng tối giúp tạo ra không gian và làm cho hình ảnh trở nên rất xác thực. Bóng
tối giảm đi rõ rệt cho chúng ta biết về hình dạng của bề mặt ngang và các đối
tượng xung quanh. Chính cái bóng có thể chạm vào các đối tượng một cách trực
tiếp, cảm nhận hình dạng và khối lượng để xác định vị trí tương đối của chúng.
Ngay cả khi nguồn sáng không
nằm trong khung hình, bản chất của sự phân bố ánh sáng và bóng tối, đó là những
gì chúng ta gọi là hiệu ứng ánh sáng, tất cả đều mang lại cho chúng ta những
cảm nhận về không gian của bức ảnh, lấp đầy không gian là môi trường và không
khí quanh vật thể, nó mang khả năng biểu cảm rất lớn.
Gần ấm xa lạnh:
Phối màu là tập hợp hài hòa của màu, sắc thái màu. Phối cảnh bằng màu sắc còn
là một phương pháp tạo chiều sâu cho khung hình. Trong tương quan màu nóng và
màu lạnh thì màu lạnh luôn cho thụ cảm xa hơn với màu nóng. Theo cảm nhận mắt
người, các màu ấm hòa nhập với lớp cảnh đầu, còn màu lạnh như thể đi về chiều
sâu của không gian. Do đó, gần ấm, xa lạnh là một phương pháp để các nhiếp ảnh
gia chuyên nghiệp thể hiện trong không gian hình ảnh bằng cách chọn lựa cảnh,
sắp xếp đối tượng ghi hình cũng như chiếu sáng.
Tháp Chăm Poklong Garai (Ninh Thuận) - Phạm Thanh Hà |
Phối cảnh ngươc: Thực tế mắt nhìn không phải lúc nào cũng tuân thủ theo qui luật của
Leonardo da Vinci. Khi chụp ảnh ngoài trời nhiếp ảnh gia không thể “yêu cầu” tất
cả mọi người trong bóng tối lùi lại gần máy, còn ở ngoài ánh sáng – thì tiến ra
xa hơn. Tương tự như vậy, không thể đặt ở chỗ đó một tòa nhà màu trắng, che
khuất bóng tối, hay làm cho bãi cát ở phía trước sậm màu hơn. Do đó, trường hợp
những sự phá vỡ độ đậm nhạt của phối cảnh được thấy ở khắp mọi nơi. Trong cuộc
sống chúng mang những đặc tính ngẫu nhiên, bức tranh được thay đổi về toàn bộ
thời gian, phá vỡ những sự vi phạm, và xảy ra ở những nơi khác. Trong nhiếp ảnh sự phá
vỡ đó có đặc tính hoàn toàn khác dù chỉ là
ở đó hình ảnh không thay đổi, phần màu đen và màu trắng sẽ không bao giờ bị
thay đổi vị trí. Hiệu quả của sự phá vỡ tông sáng của hình ảnh mạnh đến mức
chúng ta có thể chứng minh được sự hiện ảnh của phép phối cảnh ngược. Alecxandr Lapin, nhiếp ảnh gia, nhà
lý luận bậc thầy người Nga đã viết trong cuốn sách Nhiếp ảnh là thế. . . Theo ông,
trong nghệ thuật tạo hình, phép phối
cảnh ngược được sử dụng cùng với nhau, đôi khi nó được các nghệ sĩ cố tình tạo
ra (các đường thẳng được phân kì thay vì hội tụ, v.v..). Trong nhiếp ảnh điều này gần như
không thể, nhưng lại có sự phá vỡ các qui luật của phép phối cảnh, đặc biệt
bằng độ đậm nhạt.
Alecxandr Lapin - Bậc thang (1986) |
Lapin đã thí dụ bằng “trò
chơi” của mình với bức ảnh “Bậc thang”, trong đó phối cảnh
đường nét mạnh đã làm giảm kích thước của các bậc thang, các đường thẳng hội tụ
dẫn chúng ta đi vào chiều sâu của hình ảnh. Bề mặt của bức tường bên trái bị
lõm có tông sáng đồng nhất, và điều quan trọng là nó “gần” với các cành cây ở
trên cao, trái hẳn phối cảnh thông thường là trước đậm xa nhạt đã nêu trên và
tạo ra một trò chơi riêng trong không gian.
Trong bức ảnh của Vladimir
Philonov mà A. Lapin đưa ra tiếp đó, không đơn giản chỉ là một sự tương phản
giữa cậu bé và ông già, mà giống như “tuổi trẻ” với “tuổi già”. Nội dung bình
thường của nó không phải để tìm ra một ý nghĩa cần thiết trong hiệu ứng mạnh
nhất của phép phối cảnh ngược này.
Cậu bé ở phía trước của ông già, và cảm nhận
một cách trực quan thì nó giống như một lỗ sáng được khoét trong nền tối. Trong
đó nhiếp ảnh gia đã giấu đi sự ẩn dụ. Hình ảnh màu trắng là không thực tế, cùng
một lúc, nó nằm giống như ở cả phía trước và phía sau.
Tổ chức không gian – là một
trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhiếp ảnh gia, mang lại khả năng
biểu cảm lớn. Không gian có thể sâu hoặc bằng phẳng, rộng rãi, giới hạn hoặc vô
hạn, lộ liễu hoặc kín đáo, quen thuộc hoặc không thực tế, rời rạc hoặc liên tục,
được phát triển theo đường chéo, hoặc bị dồn nén giống như lò xo.Thật là ngây
thơ nếu đòi hỏi ống kính vốn dĩ tụ điểm hướng tâm, sẽ tạo được mọi phối cảnh
chính xác và có chiều sâu nhất trong tất cả các trường hợp. Không phải lúc nào
nó cũng không nhất thiết phải tạo chiều sâu đúng và chính xác theo quy luật
hình học không gian. Thực tế của một số bức ảnh cho thấy các đường thẳng song
song không hoàn toàn hội tụ, độ đậm nhạt của các vật thể tiền cảnh và hậu cảnh
không hẳn cứ phần sáng hơn che khuất phần tối hơn…vv
Hội họa thể hiện một dài
quãng dài nếu như không phải vĩnh cửu. Vậy nên khái niệm “mo ment” trong hội họa không thể truyền tải hình ảnh trong khoảng
thời gian một phần trăm của một giây vì đây không phải là phạm vi của nó. Nhiếp
ảnh – đó là những gì sẽ trở thành nền hội họa, bố cục… Và trong đó nhịp điệu
tạo hình, hình học và được sắp đặt chỉ trong vài phần trăm của giây” ấy.
PTH
(Trong bài người viết có sử
dụng ảnh và hình vẽ của mình để minh họa)
Chú thích:
Leonardo đa Vinci (1452-
1519): Nhà bác học thiên tài, danh họa vĩ đại Ý với nhiều tác phẩm hội họa kinh
điển, lý thuyết toán học, thiên văn học… cũng như phép phối cảnh trong tạo hình
hội họa.Alecxandr Lapin (1945- 2012):
Một trong những nhà lý luận bậc thầy người Nga. Là nhiếp ảnh gia Nga kiệt xuất
với hơn 20 triển lãm ảnh quốc tế ở Nga, Châu Âu và Mỹ, Các tác phẩm của ông
được lưu giữ trong các bảo tàng nghệ thuật Puskin (Nga), Korkoran- Washinton và
Fain Art- Boton (Mỹ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét