( Vài cảm nghĩ về phim Mùi Cỏ Cháy)
Đạo diễn: Nguyễn Anh Tuấn
I. Trước khi xem phim "Mùi Cỏ Cháy",
tôi có đọc một bài viết, trong đó đạo diễn - NSND Huy Thành phát biểu: "Chỉ
riêng phim Mùi Cỏ Cháy đã là thành công của LHP 17 rồi." Tôi đã bật cười,
coi đó chỉ là nhận xét cho vui của một bậc trưởng thượng... Nhưng, sau khi xem
bộ phim này, càng ngẫm, tôi càng thấy nhận xét trên có lý sâu xa...
Cách
đây 6, 7 năm, tôi được nhà biên kịch Hoàng Nhậm Cầm kể ý tưởng rồi đọc cho nghe
kịch bản đầu tiên của "Mùi Cỏ Cháy". Khi nghe xong kịch bản qua vài
lần rít thuốc lào của Cầm, bằng cái giọng khàn khàn và ánh mắt long lanh rực
cháy của anh, tôi đã chợt nghĩ thầm: nếu ý tưởng này, kịch bản này thành phim,
thì Cầm của tôi mới hoàn toàn thoát hẳn cái thân phận và cái ấn tượng mà người
ta vẫn nhớ về Cầm là một "Bác sĩ hoa súng" trong suốt thời gian dài
anh phải làm người ta cười trong nước mắt của anh, nước mắt của một kẻ đau
nghề, sống chết với nghề, muốn làm một cái gì cho tử tế, cho ra hồn trong nghiệp
điện ảnh mà phải giấu khát vọng trong cái hài bất đắc dĩ đối với anh...
Tới
lúc được nhìn thấy, nghe thấy những gì máu huyết của Cầm hiện lên trên màn ảnh
lớn, thú thực là, tôi đã đôi ba lần không cầm được nước mắt - trong đó chắc hẳn
phải có giọt nước mắt đồng cảm với "anh hề" HNC từng phải múa may
quay cuồng trước đây vì miếng cơm manh áo... Tôi đã cố cưỡng lại cảm xúc tự
nhiên của một người xem phim để cảm thụ dưới góc độ của một người làm nghề. Và
tôi đã thất bại. Song, cái được lớn nhất là tôi đã được sống lại trọn vẹn với
một thời tuổi trẻ của tôi, của cả một thế hệ... Tôi đã khóc nhớ đến Nông- đứa
em trai kết nghĩa, ứa lệ nghĩ tới những người bạn sinh viên văn khoa, những
gương mặt măng tơ, những ánh mắt trong trẻo, những tâm hồn thơ mộng đầy hoài
bão đẹp - y hệt những em diễn viên đóng vai lính trẻ trong phim- họ đã hồn
nhiên ra mặt trận, đã ném tuổi thanh xuân của mình vào những "Đồi thịt
băm" (tên một bộ phim làm về chiến tranh VN của đạo diễn Mỹ nổi danh Olive
Stone) và vĩnh viễn không bao giờ trở về nữa... Tôi cũng đã ngậm ngùi nghĩ đến
cái rủi của mình khi bị loại khỏi hàng ngũ những người ra trận kia chỉ vì cận
thị...
Nhưng
tôi không nên bàn thêm về những thụ cảm riêng về phim, càng không nên nói về
những giọt nước mắt của mình về bộ phim- bởi thực chất chúng sẽ không nói lên
được là bao giá trị đích thực của một tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật vốn
có tác động trực tiếp tới khán giả.
"Mùi
Cỏ Cháy" là một phim làm theo kinh phí Nhà nước, và với đề tài này, ai
cũng có thể coi đó thuộc về loại "phim Cúng cụ" xưa nay! Song, với
kinh phí làm phim chỉ bằng 1 phần 10
( thậm chí còn ít hơn nhiều lần thế) so với những phim giải trí tư nhân trước
nay, so với tất cả những phim truyện nhựa trong LHP lần thứ 17 này, những người
làm phim "Mùi Cỏ Cháy" phải nói đã lập được một "kỳ tích"
đáng nể là đã tự cắt bỏ được cái "bướu" kinh niên mang tên:
"Phim Cúng cụ"! Cả phòng chiếu của Hội Điện ảnh đã ngồi lặng đi cho
đến dòng chữ phim cuối cùng, đèn bật sáng trên những gương mặt nhòa lệ và lúc
đó mới dậy lên tràng pháo tay cổ vũ cảm động... Bộ phim chinh phục hầu hết khán
giả trong phòng chiếu không chỉ vì lòng dũng cảm của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười
và tập thể làm phim đã dám đi vào một đề tài "hóc", có tiếng là không
ăn khách, với một kinh phí quá bèo bọt ( đã hàng chục đạo diễn từ chối dự án
phim này), không chỉ vì trong đó có những gì đã từng gắn với máu thịt của những
người xem phim, mà cái chính là những gì thân thiết và đau đớn ấy của cuộc sống
đã được tập thể làm phim thể hiện một cách giản dị, chân cảm, bằng một thứ ngôn
ngữ điện ảnh khá cổ điển, và thực chau chuốt trong từng khuôn hình, từng diễn
xuất... Trong "Mùi Cỏ Cháy" có khá nhiều trường đoạn phim, tình tiết
phim có khả năng tạo "sức nổ"
rất mạnh trong lòng người xem. Ví như trường đoạn tả cuộc hủy diệt Thành cổ
Quảng Trị của đạn pháo địch: những cột sóng, cột khói lửa, những thân xác người
bắn tung trong nước và trên không gian... trên nền nhạc giao hưởng mà không một
tiếng động thực nào. Như trường đoạn cuộc tỏ tình dễ thương của chàng lính trẻ
bên giếng nước với cô thôn nữ làng với cây ghi-ta, rồi sau đó là cuộc chia tay
vội vã giữa hai người trẻ tuổi. Như tình tiết tấm ảnh chụp bộ tứ Hoàng - Thành -
Thăng - Long được cài từ đầu phim cho tới đoạn kết phim. Như tình tiết chiếc
đàn ghi-ta cháy trong lửa. Như tình tiết những con dế được lính thả lại trước
khi vượt sông Thạch Hãn, v.v. Theo cách nói của một nhà văn nước ngoài:
"Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn" mà ta có thể áp dụng vào điện ảnh:
"Chi tiết nhỏ làm nên bộ phim lớn", thì "Mùi Cỏ Cháy" có không
ít những chi tiết như thế... Cái khó của một phim đề tài chiến tranh là phải
tạo ra không khí chiến tranh một cách chân thực, và ở đây, tính chất khốc liệt
tàn bạo của một cuộc hủy diệt mà đối phương nhằm vào cái đích là Thành Cổ và ý
chí sắt thép quyết giữ bằng được vị trí này của quân giải phóng đã được những
người làm phim thể hiện một cách tối đa trong điều kiện tối thiểu của mình!
Toàn
cảnh chiến tranh - chết chóc và nguy hiểm rình rập đã hòa nhập một cách tự
nhiên với những mảnh đời sống riêng tư của từng nhân vật cũng như của "nhóm"
nhân vật (Hoàng- Thành- Thăng -Long) tựa một sinh mệnh hữu cơ, ở đó có tiếng
cười vui tếu táo, sự nhớ nhung, giây phút sợ hãi và không thiếu sự tinh nghịch
kiểu học trò, sự hóm hỉnh của giới sinh viên... Hãy nhớ lại ánh mắt hồn hậu đến
se lòng của cô thôn nữ khi nghe binh nhì Long tâm tình. Hãy nhớ lại vẻ mặt khó đăm đăm song không dấu được
khóe mắt rưng rưng bởi tình yêu thương, lòng cảm phục, cả một nỗi xót xa trìu
mến của trung đội trưởng Phong khi buộc phải khiển trách một chiến sĩ trẻ của
anh...
Một
hệ thống nhân vật được dụng tâm miêu tả để đăng đối với những người lính trẻ ra
trận là những người mẹ - đều là do những nghệ sĩ điện ảnh có tên tuổi đảm nhiệm-
đã tạo nên một bè trầm quan trọng trong dàn tổng phổ, và điều này, trong tất cả
tính chất "kinh điển" của nó đã góp phần lớn tạo nên cảm xúc rất mạnh
cho toàn bộ phim. Tình tiết bức ảnh người mẹ trong túi áo đối phương (người lính ngụy vừa bị bắn chết) rơi vào tay một người
lính trẻ quân giải phóng là một tình tiết thú vị, tuy nhiên, chưa được các nhà
làm phim đào sâu tới độ cần thiết.
Những
gương mặt người lính trẻ tựa thiên thần trước đó lại được khắc họa bằng ánh
sáng viền không sắc nét mà cũng không nhạt nhòa trong bóng tối, khi cận cảnh,
khi trung - toàn cảnh đã được nhà quay phim Phạm Thanh Hà tính toán kỹ lưỡng để
tạo hiệu quả ấn tượng rất mạnh: những con người đang sống đây nhưng đã quyết
biến mình thành những "âm hồn của địa phủ" sẵn sàng dành cho đối
phương những đòn sấm sét... So với nhiều phim mà Thanh Hà đã quay, tôi nhận rõ
một điều: ở phim này, anh đã thăng hoa cảm xúc cùng sự huy động tổng lực những kinh nghiệm, kỹ xảo mà anh đã tích lũy
được trong một đời cầm máy của mình!
Trong
việc chỉ đạo diễn xuất, có thể thấy rõ một điều là: đạo diễn đã biết phát huy
khả năng tiềm tàng của các diễn viên, và đạo diễn cùng biên kịch thực sự đã
biết cách truyền tới diễn viên trẻ những cảm xúc, những trải nghiệm của chính
mình về một thời chiến trận đã qua, cho nên, ngoài sự hồn nhiên sẵn có để vào
vai trẻ, họ đã "nhập thần" được vào cái không khí của một thời chiến
xa lạ đối với họ, họ đã sống với vai như chúng sinh ra là để dành cho họ vậy!
Nếu
có thể có điều hơi đáng tiếc ở bộ phim này, theo tôi chính là: trong nhóm nhân
vật đã được xây dựng khá công phu, lẽ ra nên có một nhân vật làm trung tâm,
được khai thác kỹ hơn, có chiều dày hơn, có sức lắng hơn, đấy sẽ là nhân vật
phát ngôn thay cho cả nhóm
Nhìn
tổng thể, "Mùi Cỏ Cháy" đáp ứng được khá nhiều tiêu chí về tư tưởng-
nghệ thuật của một bộ phim truyện; và cái đạt lớn nhất là đã tạo nên được một
hình tượng khá hoàn chỉnh và "mê hoặc" về một lớp người tuổi trẻ xuất
thân từ sinh viên mặc áo lính! Mê hoặc không chỉ bởi những vần thơ từng được
chép trong sổ tay của bao thế hệ ra trận giờ được ngân nga trong những thước
phim, không chỉ bởi nỗi khát khao tình yêu nam nữ của họ được bộc lộ một cách
chân thành đáng yêu, mà bởi một cái gì đó tưởng chừng như vô hình song lúc nào
cũng chợt bùng cháy trong tâm hồn họ: Tình yêu Tổ quốc thiêng liêng... Cũng có
những lúc Tình yêu thiêng liêng đó tạm thời bị "hóa thạch", nhưng vào
giờ phút Tổ quốc bị lâm nguy, danh dự Dân tộc bị xúc phạm, nó sẽ được giải
phóng và hóa thân một cách kỳ diệu! "Mùi Cỏ Cháy" đã hiện thực hóa và
nghệ thuật hóa được một trong những "giờ phút" đặc biệt đó của Lịch
sử! Và có thể khẳng định, đây là điểm son rạng rỡ nhất cần ghi cho "Mùi Cỏ
Cháy" mà nếu nó không được đánh giá một cách đầy đủ, đúng mức thì thực
đáng tiếc không phải chỉ đối với riêng phim "Mùi Cỏ Cháy"...
II.
Tôi đã dừng bút bài phê bình nhỏ này, nếu như không đọc bài PV ông Đinh Anh
Dũng - thành viên BGK phim truyện nhựa tại LHP thứ 17 (
Hà Nội mới, trang văn hóa 17/12/2011), và có đôi điều muốn trao đổi cùng ông, với
tư cách là một đồng nghiệp.
Không
ai có thể tranh cãi với Đ A Dũng khi ông nói: "Ta hoàn toàn có thể làm bật
lên một đề tài cũ bằng một cách kể hiện đại. Ví dụ, chúng ta rất yếu về làm
phim chiến tranh. Cứ tưởng là vì nhiều nguyên nhân to tát, nhưng ngẫm kỹ ra mới
thấy có những điều thuộc về chi tiết, về tư duy." Nhưng khi ông nói tiếp: "Có
khi chỉ cần một đoạn ấn tượng chứ không cứ phải nổ đì đùng suốt phim" thì
ta buộc phải đặt câu hỏi: Các phim nước ngoài làm về chiến
tranh như: Điện Biên Phủ, Giải cứu binh nhì Ryal, Trân Trâu cảng, Pasific, Giải
phóng… cũng "nổ súng đì đùng" suốt phim sao ông Đ A Dũng không chê
bai, mà lại ám chỉ một bộ phim truyện
duy nhất của LHP VN 17 về đề tài chiến tranh mà ai cũng hiểu đó là phim "Mùi
Cỏ Cháy"? Tuy rằng phim chiến tranh của ta điều kiện kinh phí kém xa phim
nước ngoài, nhưng nếu làm được thì cũng đáng trân trọng, sao lại nỡ xét nét
theo lối mà không khéo người ta sẽ nghĩ là hơi tiểu nhân? Theo lời ông Đ A Dũng,
phim có khi chỉ cần “một đoạn ấn tượng mà thôi”, nhưng phim Mùi Cỏ Cháy lại có
nhiều đoạn rất ấn tượng là có lỗi hay sao? Nếu chỉ là nhận xét của cá nhân ông Đ
A Dũng là một nhà quay phim thì chẳng sao, nhưng đó lại là phát ngôn của một
thành viên BGK phim truyện nhựa thì thực đáng thất vọng!
Trong bài PV trên, ông Đ A Dũng nói: "Tôi thấy ngôn ngữ điện ảnh của ta đa
phần là cũ lắm rồi." Xin thưa ông, ngay cả điện ảnh của thế
giới hiện tại vẫn có dòng phim kinh viện, thể hiện ngôn ngữ hình ảnh truyền thống
song song với các dòng phim có khuynh hướng cách tân… Nếu xem phim "Kiêu
hãnh và định kiến" (Pride and Prejudice), hoặc
"Người đọc sách" (The Reader)- ta thấy ngôn ngữ điện ảnh của hai bộ
phim có giá trị nghệ thuật cao kể trên sản xuất cách đây vài năm đâu có gì gọi là
"mới" trong thể hiện? Phim ta chất lượng nghệ thuật còn kém xa phim
thế giới, nhưng cũng không nằm ngoài quy luật: bài bản và phá cách luôn cùng
song hành. Nếu nghĩ đổi mới là tất cả đều phải làm ngược lại, chỉ làm khác trước
mà phủ nhận hoàn toàn cái có trước là hoàn toàn võ đoán. Phim "Mùi Cỏ
Cháy" là một phim chủ yếu làm theo phong cách "kinh điển", nếu
theo "tiêu chí hiện đại" của ông nhằm mục đích bênh vực những phim
khác mà ông đã nhắm trước (hoặc được giao phó sứ mệnh) thì thực oan uổng cho
"Mùi Cỏ Cháy", và xem ra cũng oan uổng cho trình độ lý luận của một
người đã từng theo học công nghệ điện ảnh Hoa Kỳ như ông chăng?
Xin nói thêm, ngay cả dòng phim kinh dị
của nước ngoài hiện nay đang “hot” mà một vài đạo diễn của ta đang tâm đắc cũng
bắt đầu từ những tác phẩm của Hittcok những năm 40 của thế kỉ trước. Hay như
phim về tình yêu đồng tính của đạo diễn Lý An với Brokeback Mountain (Núi lạnh) đã thành công rồi, bây giờ ở ta mới
có một vài phim làm theo, đây là sự bắt chước chứ không phải cách tân!!! Còn phim
"Hot Boy nổi loạn …" của Vũ Ngọc Đãng, bên cạnh một nỗ lực đáng ghi
nhận, nhưng xét cho cùng là đã cố sức tìm một đề tài mới mà chưa có gì thật là
mới trong cách thể hiện. Chưa kể là, nếu đặt ngang bằng sổ thẳng một phim giải
trí (mà thị trường phim của ta đã, đang gần như bội thực) bên cạnh một phim như
"Mùi Cỏ Cháy" thì có vẻ như là một cuộc chơi thiếu sòng phẳng! Nhưng
bài viết này không muốn đi lạc sang vấn đề khác nữa.
Còn
một điều sau cùng mà tôi không thể không nói...Trong bài PV trên, với tư cách
là Giám khảo, khi nói về quay phim, tôi nhận thấy là ông Đ A Dũng có những lời
rào đón mà chẳng cần thông minh cho lắm cũng hiểu... Thực ra những ai mà Giám
khảo họ Đinh thích đều nằm trong danh sách đề cử, và hai người trong đó đã nhận
giải quay phim. Buổi tối 17/12 mới trao giải mà 7h30 sáng đã thấy bí mật được
“bật mí” trên mặt báo thì quý ông đã vi phạm quy chế của LHP rồi! Vả lại, cho
dù có quý mến và thiện cảm ai đi nữa thì làm giám khảo phải công tâm, chứ không
phải thích ai thì trao giải người đó. Bóng đá nước ngoài đã có ông trọng tài từng
phạt thẻ vàng chính ngôi sao thần tượng của mình trên sân cỏ. Tóm lại, giám khảo
phải đứng trên bình diện chung mà phán
xét khách quan, không nên chỉ tung hô những ai cùng gu với mình. Điều này thì
ngược lại với những gì mà ông Đ A Dũng tuyên bố với báo chí: "Quan điểm của tôi khi ngồi
ghế giám khảo là phải bảo đảm 3 tiêu chí: khách quan, trung thực, bí mật. Đừng
để quan hệ cá nhân xen vào những nhận định chuyên môn."( Bài PV đã nêu)
Thực
chẳng hay ho gì đối với tôi khi đang hào hứng với một bộ phim hiếm hoi thành
công về chiến tranh của ta mà lại phải sa vào một chuyện "hậu trường"
chẳng hay ho gì của một LHP Quốc gia! Nhưng biết làm sao được... Máu xương của
những người lính trẻ- trong đó có em trai tôi, bạn bè thân thiết của tôi đổ xuống
đâu phải là vô ích khi mà những người làm nghề điện ảnh nói riêng, làm công tác
văn hóa nói chung vẫn còn khát khao trân trọng những gì là công bằng, lương thiện...
Hà Nội, Cuối năm 2011
NAT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét