Bùi Việt Hưng
Quay phim Điện ảnh K30 ĐHSKĐA
Trong
lĩnh vực điện ảnh có 2 thể loại phim chính là phim truyện và phim tài liệu.
Sự khác nhau cơ bản ở chỗ phim truyện là loại phim có yếu tố diễn xuất của diễn
viên còn phim tài liệu ghi lại những hình ảnh ngoài thực tế. Vì thế người quay
phim trong từng thể loại có vai trò khác nhau và có yêu cầu về kiến thức chuyên
môn khác nhau.
Người
quay phim trong phim tài liệu vừa là nhà quay phim vừa là đạo diễn hình ảnh của
bộ phim. Nhiệm vụ của người quay phim là thông qua ý đồ của đạo diễn, ghi lại
hình ảnh dưới con mắt của mình để truyền tải thông tin cho khán giả. Khác với phim
truyện có thể can thiệp trực tiếp vào diễn viên hay diễn lại nhiều lần, những sự
kiện hoặc hành động của nhân vật trong phim tài liệu chỉ diễn ra một lần, vì thế
đòi hỏi người quay phim tài liệu phải có tư duy hình ảnh để có thể dựng phim
khi hậu kì. Nhà quay phim cần phải tính trước được những hình ảnh cần có, từ đó
chọn địa điểm đặt máy và góc máy để được hình ảnh thể hiện được ý đồ của đạo diễn.
Nhà quay phim lúc này là người làm chủ khuôn hình của mình và đưa ra quyết định
trong việc bấm máy.
Nhà
quay phim tài liệu cần nắm vững chắc về kĩ thuật. Trước khi làm phim tài liệu sẽ
có kịch bản dự kiến để có nội dung xuyên suốt cả bộ phim, nhưng có những tình
huống bất ngờ xảy ra nằm ngoài ý đồ của đạo diễn nhưng mang lại những hình ảnh
ý nghĩa và đắt giá cho bộ phim thì người quay phim cần có sự quan sát nhanh nhạy
và tinh tế để có thể đoán trước được và kịp ghi lại những khoảnh khắc đó, không
cần có sự chỉ đạo của đạo diễn. Đồng thời người quay phim phải hiểu rõ về kĩ
thuật để chủ động trong việc cài đặt máy quay và có thể nhanh chóng ghi lại được
hình ảnh trước khi nó kết thúc.
Quay
phim tài liệu thường ít sử dụng đến chiếu sáng theo ý đồ của người quay phim vì
điều kiện không cho phép, đèn ảnh hưởng đến nhân vật–sự kiện dẫn đến mất tính
chân thực, hay có thể là không đủ thời gian để bố trí. Vì vậy người quay phim
tài liệu cần phải hiểu rõ về ánh sáng và màu sắc. Người quay phim cần phải tùy
theo sự việc, lựa theo ánh sáng sẵn có để bố cục khuôn hình sao cho có lợi nhất
và đẹp nhất. Người quay phim cần phải hiểu rõ được nguồn sáng tự nhiên như nhiệt
độ màu hay vị trí, ánh sáng của mặt trời các giờ trong ngày để có thể nhanh
chóng bố cục khuôn hình và lựa chọn ánh sáng, màu sắc theo ý đồ của mình.
Ngoài
kiến thức về chuyên môn, người quay phim tài liệu cần phải có hiểu biết về nhiều
lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến kịch bản phim đang thực
hiện. Khác với phim truyện, các tính cách, tính chất nhân vật hay sự việc đều nằm
trong kịch bản, phim tài liệu thường có chủ đề về các vấn đề xã hội, liên quan
đến con người thật, sự việc thật muôn màu muôn vẻ ở ngoài cuộc sống. Vì vậy để
nắm bắt và truyền tải được qua hình ảnh, người quay phim cần phải có một phông
kiến thức nhất định để hiểu được những ý nghĩa nằm sau những sự việc đó.
Ron Fricke là một nhà đạo diễn và quay phim người Mỹ. Ông được
coi là bậc thầy về quay time-lapse
(quay từng hình) và quay phim nhựa khổ lớn. (Bộ phim Bakara năm 1992 là bộ phim
nhựa quay bằng phim 70mm và đầu tiên được chuyển thành độ phân giải 8K). Bộ
phim đầu tiên ông quay là Koyaanisqatsi năm 1982. Đây là bộ phim tài liệu của đạo diễn
Godfrey
Reggio được quay tại rất nhiều địa điểm của nước Mỹ. Bộ phim
không có lời bình hay đối thoại của nhân vật, toàn bộ phần nhạc trong phim được
viết sau này theo từng phần trong phim bởi nhạc sĩ. Ảnh hưởng từ phong cách
phim tài liệu này, Ron Fricke đã tự
mình vừa làm đạo diễn vừa quay phim cho 3 bộ phim tài liệu sau này của ông là Chronos (1986), Bakara (1992) và Samsara năm (2011). Khác với các phong
cách quay phim tài liệu bình thường, 3 bộ phim đều không có cốt truyện, không
có nhân vật. Cả 3 phim đều được thực hiện trong thời gian rất lâu, tốn nhiều
năm vì các cảnh quay được quay ở rất nhiều địa điểm ở nhiều quốc gia, xuyên suốt
cả 5 lục địa. Trong phim không sự dụng lời bình và lời thoại nhân vật và nhạc
phim được viết sau này. Phim được quay bởi máy quay phim nhựa và hình ảnh trong
phim đều được quay rất đẹp và bố cục chỉn chu, thể hiện sự tính toán trước rất
cẩn thận của người quay phim. Trong phim không có động tác máy mạnh, không sử dụng
ống kính zoom, chủ yếu là các khuôn hình fix và lia rất nhẹ. Phim sử dụng nhiều
kĩ thuật quay đặc biệt là quay time-lapse- quay từng hình.
Để
quay các hiện tượng xảy ra lâu, kéo dài hàng giờ như mây trôi, tia sáng mặt trời,...
hay thậm chí hàng ngày như cảnh từ sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau, Ron
Fricke đã sử dụng kĩ thuật quay đặc biệt để thực hiện. Quay từng hình là để máy
quay theo chế độ ghi từng hình theo một cho kì được tính toán sẵn. Ở những cảnh
quay từng hình thông thường, máy quay luôn phải cố định chắc chắn trong suốt
quá trình thực hiện ghi hình nên hình ảnh cho ra luôn là hình fix. Ron Fricke
không muốn những cảnh quay từng hình thông thường, ông muốn phát triển nó lên một
mức độ cao hơn. Trong phim, các cảnh quay từng hình thường kèm theo các động
tác máy như lia, dolly hay boom. Điều này đòi hỏi phải có một thiết bị để chuyển
động máy quay cùng với chu kì ghi hình. Chuyển động của thiết bị này được lập
trình sẵn, đều đặn và chính xác theo chu kì ghi hình của máy quay để có được một
cú máy hoàn thiện.
Ron Fricke (trái) đang cài đặt cho một cú máy quay từng hình
Một
cú máy quay từng hình có chuyển động cần có sự chuẩn bị cẩn thận và kĩ lưỡng. Đầu
tiên người quay phim phải biết mình muốn hình ảnh như thế nào và hình dung trước
được hiệu quả của cú máy. Từ đó người quay phim sẽ tính trước sự việc diễn ra
trong bao lâu để có thể tính toán điểm đầu, điểm cuối và quãng đường cũng như
thời gian chuyển động của máy.Với những cảnh quay từng hình với thời gian dài,
khu vực được quay phải đảm bảo không có gì bất thường diễn ra nếu không sẽ có
thể hỏng cả cú máy. Ở ngoại cảnh, ánh sáng thường xuyên thay đổi và nếu quay từng
hình với thời gian dài như ban ngày chuyển sang ban đêm, người quay phim phải
tính toán trước lộ sáng cho từng thời điểm để đảm bảo về mặt kĩ thuật cho hình ảnh.
Ngoài ra ngoại cảnh còn nhiều yếu tố tác động như mưa gió hay bụi bẩn có thể ảnh
hưởng đến máy quay đòi hỏi phải có thiết bị bảo vệ chuyên dụng.
Cảnh quay time-lapse từ ngày sang đêm.
Phim
tài liệu hiện nay có rất nhiều phong cách và hình thức thể hiện khác nhau. Có
những phim tài liệu lấy lời bình làm chủ yếu và hình ảnh chi để minh họa cho lời
bình. Những phim khác muốn tạo góc nhìn chân thật, muốn đưa khán giả vào trong
câu chuyện thì dùng máy vác vai, như góc nhìn thứ nhất với khuôn hình không ổn
định. Hoặc có những quay phim thường chớp những khoảnh khắc ý nghĩa, coi trọng
thông tin trong cảnh quay quan trọng hơn những vấn đề về bố cục hay kĩ thuật. Ron
Fricke thì áp dụng trong phim của mình một phong cách hình ảnh khác. Hình ảnh
trong phim của ông luôn rất đẹp, các khuôn hình của ông thường được bố cục một
cách ngay ngắn và cẩn thận. Trước khi bắt đầu quay một cảnh, Ron Fricke tính
toán kĩ càng về góc máy và ánh sáng để có thể có được hình ảnh đẹp nhất.
Ron Fricke cũng rất
ít sử dụng động tác máy, hầu hết các các cảnh của ông là những cảnh fix. Các cảnh
có động tác máy của ông thường rất nhẹ, từ những cú lia, dolly hay boom đều chậm
rãi.
Ngoài
các cảnh quay đẹp, nhiều hình ảnh trong phim mang nội dung nhiều ý nghĩa, ẩn dụ
gây ấn tượng cho khán giả, đặc biệt là các hình ảnh đối lập trong cùng 1 khuôn
hình.
Một thầy tu chậm rãi bước đi từng bước giữa dòng người
hối hả
Lễ tang của một người đàn ông trong quan tài hình khẩu
súng nối tiếp bằng hình ảnh những khẩu súng nhỏ đang được sản xuất
Phim
không có nội dung hay cốt truyện, cũng như không có nhân vật cụ thể, nên để kết
nối giữa các cảnh quay, nhà quay phim đã phải tính trước nội dung của các cảnh
quay. Thường để kết nối giữa 2 cảnh quay ở 2 nơi khác nhau, hình ảnh thường có
điểm chung hoặc so sánh, để mang lại ý nghĩa cho người xem.
Cận cảnh trong phim tài liệu thường được dùng là những cảnh miêu tả cảm xúc hoặc cảnh phỏng vấn nhân vật. Các nhà làm phim tránh để nhân vật nhìn vào ống kính vì như vậy sẽ làm người xem có cảm giác mất tự nhiên và chân thực. Nhưng trong phim của mình, Ron Fricke luôn để nhân vật nhìn vào máy khi ở cận cảnh.
Bố
cục của cận cảnh thường để nhân vật vào giữa khuôn hình, góc máy ngang tầm mắt
và cỡ cận-đặc tả để xóa hậu cảnh, gây sự tập trung của khán giả vào nhân vật, đặc
biệt là đôi mắt. Các cận cảnh ngoài ngoại cảnh hay trong nội cảnh đều có đều có
ánh sáng rất đẹp và thường sử dụng thêm các thiết bị chiếu sáng. Cú máy thường
để dài, nhân vật nhìn thẳng vào ống kính máy quay và không cử động hay biểu lộ
cảm xúc, gây ra sự ám ảnh với người xem.
BVH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét