Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

BÀN VỀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP TRONG NHIẾP ẢNH


NSƯT, NSNA Phạm Thanh Hà         
                                                           

Ảnh Elliott Erwitt

Kể từ khi ra đời, nhiếp ảnh là một trong những lĩnh vực văn hóa có tính quảng đại cao. Trong xã hội phát triển hiện nay nhiều người đã tự chụp lại các sự kiện gia đình mà không cần đến nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Sự bùng nổ truyền thông từ thập kỷ cuối thế kỷ 20 đến nay đang càng trở nên sôi động. Trên báo điện tử, mạng xã hội, các bức ảnh phản ánh đời sống xã hội từ những góc sâu thẳm nhất từ cuộc sống từng cá thể được cập nhật, nóng hổi tới từng giây phút với lượng người xem đông đảo.
Trong lĩnh vực sáng tác hình ảnh cũng vậy. Ranh giới cách biệt giữa các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư cũng không xa. Một người “chơi ảnh” trong một giây lát may mắn có thể chụp được một bức ảnh có giá trị về nghệ thuật khiến nhiều nhiếp ảnh gia đẳng cấp phải ghen tỵ. Một nghệ sỹ nhiếp ảnh có tiếng đến một ngày nào đó sẽ giật mình khi bức ảnh của mình bị một người chụp nghiệp dư ‘vượt mặt’ nhờ một phút xuất thần trong điều kiện thiên thời địa lợi.
Nghệ thuật của nhiếp ảnh tồn tại bởi việc ca ngợi và cô đọng hiện thực, làm sáng rõ bản chất sự thực. Nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia chuyên hay không chuyên đều giống nhau – đó là phản xạ bằng trực giác và nắm bắt được khoảnh khắc độc đáo.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm trong thị trường nhiếp ảnh trong nước là việc đánh đồng chất lượng giữa nhiếp ảnh chuyên nghiệp với nghiệp dư. Khi nhiếp ảnh càng được xã hội hóa sâu rộng thì càng bộc lộ nhiều hạn chế và nhược điểm trong việc sáng tạo hình ảnh. Những người “chơi ảnh”, giống như người chơi hoa, nói theo Berthond Beller trong cuốn Suy nghĩ về nhiếp ảnh là người chụp ảnh ngoài giờ, thì những bức ảnh chụp ra trong điều kiện này không đại diện cho ước vọng to lớn của người chụp. Nhà lý luận mỹ học thời CHDC Đức trước đây đã giải thích, vì bức ảnh như một phương tiện truyền thông, mối quan hệ giữa “cái tôi” và “cái tổng thể”, cũng giống như người đi tìm chất liệu cho những bức ảnh có nội dung để phục vụ cho một cuộc sống đầy ý nghĩa. Nhiếp ảnh gia, nhà lý luận nổi tiếng người Nga Alecxandr Lapin cho rằng bất kỳ nhiếp ảnh gia nghiệp dư nào, nếu rất may mắn, anh ta có thể chụp được một bức ảnh có giá trị về nghệ thuật, sánh ngang các tác phẩm của các nghệ sỹ nhiếp ảnh. Nhưng, than ôi, chắc hẳn kiệt tác sẽ biến mất: nhiếp ảnh gia nghiệp dư  không thể hiểu những gì anh ta đã nhận được. Lapin còn đặt ra câu hỏi, nếu có một chuyên gia đánh giá được món quà của số phận ấy thì ai là tác giả của một kiệt tác này – chuyên gia hay một người nhấn nút máy ảnh mà sau đó đã không thể đánh giá đúng tính chất của bức ảnh ?
Con thuyền nhỏ. Ảnh: Alecxandr Lapin

Thử hình dung: Mỗi dịp lúa chín vàng trên Mù Cang Chải, Tú Lệ, hay mùa hoa tam giác mạch ở Đồng Văn… đều có hàng nghìn lượt người săn ảnh đông như trẩy hội với những chiếc máy ảnh đắt tiền nhất, phụ kiện tiên tiến và chuyên biệt đến săn ảnh. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không thể quanh năm suốt tháng “ăn chực, nằm chờ” ở các địa danh nổi tiếng, nhưng những người yêu nhiếp ảnh thì luôn có mặt, bởi họ luôn đông đảo. Và cứ thế sau mỗi “mùa thu hoạch ảnh”, trên các trang mạng xã hội, hàng triệu bức ảnh ra lò với đủ chất lượng thượng vàng hạ cám.
Kỹ thuật số đã thay thế công việc buồng tối, máy tính cùng các phần mềm tiện lợi và đa dạng giúp cho việc hậu kỳ làm ảnh trở nên dễ dàng và đại chúng. Trong thời đại nhiếp ảnh số, kết quả hình ảnh sẽ được hiển thị ngay lập tức. Kiến thức, kỹ năng chụp ảnh truyền bá hàng ngày trên các trang mạng khiến mọi người ai cũng có thể tự thành trở thành nhiếp ảnh gia. Nếu một người có chủ tâm và có ý thức tự đầu tư về kỹ thuật thì các kiến thức truyền tay hay các khóa học ngắn hạn vài tuần là đủ để hành nghề, chứ không nhất thiết phải dùi mài kinh sử 4 năm dưới mái trường  đại học. Các nhà sản xuất với mục đích quảng bá sản phẩm luôn đánh trúng thị hiếu "ngáo" công nghệ của khách hàng, hơn thế nữa, còn tổ chức rầm rộ các cuộc thi, triển lãm với sự tham gia đông đảo của những người yêu nhiếp ảnh. Ngoài ra, các công nghệ số khác như điện thoại, máy tính bảng gọn nhẹ với nhiều hỗ trợ thân thiện và cập nhật cho phép bất kể một ai cũng có thể chụp được ảnh.
Có những tác phẩm ảnh được coi là mới lạ thực ra lại là phiên bản của phong cách nước ngoài từ mấy chục năm trước. Rất nhiều những phong cảnh hóa thành tiên cảnh sau khi được “chế biến” qua những công cụ phần mềm máy tính. Hàng loạt ảnh phản ánh vùng miền, đời sống xã hội cứ na ná giống nhau về mô típ, nội dung. Nhiều nhiếp ảnh gia đang tự nghiệp dư hóa bằng ảnh ghép, ảnh xa rời hiện thực.
Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được tính chuyên nghiệp trong nhiếp ảnh, giữa những người nghiệp dư “chơi ảnh” với người chụp ảnh chuyên nghiệp?
Người chơi ảnh là những “tay ngang” đã biết làm chủ thời điểm ghi hình, nắm chắc bố cục và không gian khuôn hình bức ảnh. Họ có thể rẽ trái sang nhiếp ảnh từ những con đường nghề nghiệp khác hoặc tự học hỏi, mày mò, được kèm cặp “chuyền tay”. Khi có được một vài bức ảnh được thừa nhận tại các triển lãm, cuộc thi ảnh có uy tín, họ mặc nhiên đã là nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Sự đam mê, khổ luyện cùng với những tích lũy thực tế giúp nhiều người trở thành những nghệ sỹ- nhiếp ảnh gia với đúng nghĩa. Nhưng phần đông còn lại vẫn là các nhà “sản xuất ảnh” theo cảm tính hoặc chạy theo những khẩu vị của cái đẹp chung chung, đôi khi hời hợt. Kết quả là những sản phẩm hình ảnh na ná giống nhau về một địa danh, vùng miền với những nước non, mây trời… Đa phần những bức ảnh hiện nay về ruộng bậc thang óng vàng trong mùa gặt ở Tây Bắc, mây luồn Sapa lộng lẫy trong nắng, hay bình minh Trại Mát- Đà Lạt … chỉ có thể “nịnh mắt” người xem trong chốc lát vì hình ảnh đẹp nhưng ý tứ giản đơn hoặc các tác giả trùng lặp nhau về góc nhìn, cách thể hiện. Giáo sư, tiến sỹ nghệ thuật học M. X. Kagan cũng từng chia sẻ về điều này: hình tượng nghệ thuật mô tả thiên nhiên không phải chỉ chứa đựng hình ảnh vật thể một cách đơn thuần, mà trong đó chủ yếu là nói lên tình cảm của con người đối với vật thể thiên nhiên ấy…, ảnh phong cảnh gây cảm xúc cho tâm hồn người xem, làm cho người xem xúc động thực sự chứ không phải là ngắm nhìn qua loa.
Các “nghệ sỹ” nhiếp ảnh mấy thế hệ qua còn thi nhau sáng tạo hình tượng người phụ nữ Chăm thông qua các cô gái đội nước qua đồi cát Nam Cương. Chỉ những người sống cùng đồng bào dân tộc Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận mới hiểu điều này là không đúng bởi truyền thống người Chăm chí lấy nước giếng làng. Họa sỹ Chăm nổi tiếng Đàng Năng Thọ không dưới một lần phàn nàn với chúng tôi rằng: “hình ảnh đó chỉ có các ông chụp hình tự tạo. “Sáng tạo” ấy quá xa vời với văn hoá Chăm !!!!!!”. Và điều kỳ dị hơn nữa, cuộc thi ảnh gần đây của Pentax Việt Nam còn trao giải nhất cho bức ảnh các cô gái Chăm đội … vó tôm qua đồi cát (?) Nhiều bức ảnh phản ánh cuộc sống con người qua những nội dung mòn xáo, đơn diệu về hình thức thể hiện và cũng lộ rõ sự sắp đặt, phản ánh hiện thực không đúng với những lát cắt từ cuộc sống. Người xem đã gặp gỡ khá nhiều những thiếu nữ quê hái sen nhưng thực ra là đầm sen tại Hà Nội, người mẫu với yếm đào lụa pha nilon, trẻ em được trả tiền để cầm nơm úp cá, đường làng được thả khói trong nắng chiều để người nông dân dắt trâu về…
                                     Ảnh: Henri Cartier Bresson
Nhiếp ảnh không phải là điện ảnh! Tái hiện cuộc sống theo cách ước lệ không gian và thời gian như vậy thì nhiếp ảnh tự đánh mất mình, để tự mình trở nên yếu kém trước một lĩnh vực nghệ thuật khác là điện ảnh, một ngành nghệ thuật mang tính công nghiệp với tổ chức sản xuất đồ sộ. Nếu có người nào không nhìn ra sự “tức hứng nghệ thuật”của bản thân đời sống, toan biến cuộc đời thành cái tự tưởng tượng ra, tự đạo diễn ra sự kiện để chụp ảnh, “sắm vai” cho nhân vật thực, sắp xếp nhân vật theo lối sân khấu hay lối tranh cổ điển thì lúc ấy tấm ảnh nghệ thuật không còn nữa mà biến thành vật bịa đặt trông thảm hại PGS- phó tiến sỹ Mỹ học khoa Luân lý và Thẩm mỹ học, đồng thời là GS khoa Triết học  ĐHTH QG Leningrad, Liên Xô cũ M.X. Kagan đã viết.   
Nói như thế không có nghĩa nhiếp ảnh chỉ là sao y bản chính cuộc sống một cách  tự nhiên chủ nghĩa. Nghệ thuật không phải là cái gương vô cảm thấy gì phản chiếu nấy. Người chụp ảnh cần phải lược bỏ các chi tiết ngẫu nhiên, không liên quan đến nội dung thể hiện để tập trung nhấn mạnh vào đối tượng, chủ thể ghi hình, tạo sự tập trung chú ý cho người xem trong một không gian mà anh ta xác định trước, hướng họ vào nhận thức theo chủ kiến của mình, tạo ra cảm xúc cần thiết bằng ánh sáng, tông sáng và gam màu. Nhiếp ảnh kế thừa hội họa những kiến thức về bố cục và màu sắc nhưng không thể bắt chước hội họa. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh có thể chụp được những bức ảnh đẹp như tranh vẽ. Nhưng hội họa không thể có được tính chân thực của nhiếp ảnh. Sản phẩm  của nghệ sỹ nhiếp ảnh “vẫn gây ra ấn tượng chân thực, chứ không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ đó là kết quả của óc tưởng tượng như các tác phẩm nghệ thuật khác” (M.X Kagan). 
Người chụp ảnh chuyên nghiệp biết phân biệt rõ ràng ảnh nghệ thuật và ảnh tài liệu- báo chí. Ảnh nghệ thuật không nhất thiết phụ thuộc tuyệt đối vào ý nghĩa xã hội của đối tượng mô tả. Đó là sự “chơi” của bố cục, đường nét, của giai điệu ánh sáng, của nhịp điệu cũng như thời gian lộ sáng. Các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật vừa mang tính biểu trưng của hội họa, lại đầy ẩn dụ của thơ ca cũng như bày tỏ ý niệm của tác giả. Xét cho cùng thì thơ ca – là một nghệ thuật hàm chứa từ ngữ được biểu đạt trong một bài khóa. Cũng đúng như vậy với nhiếp ảnh- một nghệ thuật hàm chứa các chi tiết riêng lẻ vào một hình ảnh với ý nghĩa trọn vẹnTổ chức có nhịp điệu, phân lớp mặt phẳng, trọng âm-nhịp điệu  trong các yếu tố riêng biệt – tất cả điều đó cho phép khả năng để so sánh nhiếp ảnh với  thơ ca (A. Lapin). Các tác phẩm ảnh nghệ thuật không chỉ với mục đích ghi chép làm tư liệu hay phản ánh hiện thực mà còn nhằm truyền đạt đến người xem những cảm xúc thẩm mỹ và giá trị nhân văn. Nếu như bên trong ảnh nghệ thuật là hình tượng thì ảnh báo chí ghi lấy một khoảnh khắc lịch sử và gìn giữ cho tương lai” (chữ dùng của Brian Horton). Ảnh báo chí kể lại một câu chuyện bằng hình ảnh, là một hay những bức ảnh thời sự phản ánh những sự kiện, điểm nóng, kính tế, văn hóa, hoạt động của chính khách cũng như mọi nhân vật trong đời sống xã hội. Nếu chỉ loay hoay với tạo hình thì sự kiện sẽ trôi qua và nhiếp ảnh gia sẽ tuột mất thời khắc quý giá. Nắm chắc các thủ pháp tạo hình và ánh sáng là kiến thức chung của nhiếp ảnh gia, nhưng người chụp ảnh tài liệu và báo chí luôn phải đặt trước cho mình chức năng truyền đạt thông tin, không thể tự áp đặt các phong cách biểu hiện hình ảnh lên người xem. Sử dụng những ấn tượng thị giác trong ảnh báo chí nhiều khi làm mất tính trung thực của bản chất sự kiện hay con người cụ thể. Trong thực tế nhiều tác phẩm ảnh bị chơi vơi giữa nghệ thuật và báo chí. Có những bức đẹp về hình thức thể hiện nhưng ít thông tin, nội dung xa rời hiện thực, kiểu như người phụ nữ làng nghề bên cửa, chị em vùng cao bắt chấy cho con, hay những phụ nữ nông  thôn áo mới trong mùa gặt v.v…
Ảnh: Xergey Vaxiliev
          Người chụp ảnh chuyên nghiệp cần có kiến thức về lịch sử nhiếp ảnh để nắm rõ các bước phát triển của nhiếp ảnh, các trường phái, các tác gia nhiếp ảnh lớn trong và ngoài nước. Với kiến thức về các thể loại những khuynh hướng sáng tác qua các thời kỳ, nhiếp ảnh gia sẽ không phải mầy mò về thủ pháp thể hiện hoặc chạy theo những đề tài, xu hướng sáng tác nhất thời như các nghệ nhân ảnh thường mắc phải. Nhờ có những kiến thức nền người cầm máy chuyên nghiệp có thể tự tìm ra cách biểu hiện những gì quan sát được trong thực tế đời sống. Giai điệu màu sắc, phối cảnh, bố cục, góc độ thu hình… luôn là các công cụ tạo hình, cho phép người chụp ảnh gửi gắm vào tác phẩm của mình những ý nghĩa nghệ thuật giàu liên tưởng, tượng trưng và những khả năng gợi cảm.
Ảnh sưu tầm tại Gallery American gothic
Với đặc thù của nhiếp ảnh, giữa sáng tác của những người không chuyên và chuyên nghiệp, ít có sự cách biệt quá xa, nhưng nghệ thuật nhiếp ảnh có khả năng dạy cho rất nhiều người cách nhìn thế giới bằng con mắt của người nghệ sỹ (chữ dùng của M.X Kagan). Và tất nhiên, lời nhắn nhủ của ông dành cho các nhiếp ảnh gia theo đúng nghĩa.
PTH
Tài liệu tham khảo:
1.     A. Lapin,  Nhiếp ảnh là thế… , Nhà xuất bản Treemedia, Matxcva, năm 2013
2.     Berthond Beller , Suy nghĩ về nhiếp ảnh, NXB Điện ảnh- Nhiếp ảnh Lai Xích 1977, NXB Văn hóa HN 1986, người dịch Lê Phức.
3.     Brian Horton, Ảnh báo chí, NXB Thông tấn Hà nội, năm 2004
4.     M. X. Kagan, Mỹ học và ảnh nghệ thuật, NXB Văn hóa Hà Nội 1980, bản dịch Nguyễn Huy Hoàng)
                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét