Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Kỹ xảo điện ảnh Việt đi tìm bản ngã- Không nhìn đâu xa,hãy vượt qua chính mình

                             
                                                                               NQP NSƯT Phạm Thanh Hà

 (Bài đăng báo Văn hóa)
   Đạo diễn Đào Duy Phúc là người quyết tâm theo đuổi kỹ xảo trong phim truyện nhựa Sinh Mệnh vì anh hiểu, chỉ với kinh phí hơn 1 tỷ đồng không nổi làm bộ phim miêu tả các trận máy bay địch oanh tạc các đoàn xe vận tải vào chiến trường. Để thuyết phục sự nghi ngại của lãnh đạo Hãng phim về tính khả thi của cách làm kỹ xảo,thành phần chủ yếu đã phải đến thực địa bối cảnh chụp ảnh mô hình,quay trước hình ảnh video quả nổ mô hình để xem thử hiệu quả.Kết quả cuối cùng là thành công của bộ phim mà trong đó các cảnh quay kỹ xảo và đặc biệt đóng góp một phần rất đáng kể. Khi làm phim Trần Thủ Độ với kinh phí dồi dào,Đào Duy Phúc đã thực hiện một loạt những kỹ xảo ấn tượng ở tập cuối.Tuy nhiên anh vẫn chưa ưng lắm với kỹ xảo nhân hình,tái hiện đại cảnh trận chiến đẫm máu với hàng vạn binh mã. Có thể ý đồ của tổng đạo diễn đã không truyền đạt thấu đáo tới đạo diễn kỹ xảo. Nếu đôi bên cùng thống nhất làm trước một vài cảnh kỹ xảo ngắn,gọi là để làm “tes”, thì chắc hẳn đạo diễn đã hài lòng hơn mà không phải lấn cấn về một việc đã rồi. Trần Thủ Độ là một bộ phim dã sử hay của Hãng phim truyện 1nhưng,rất tiếc, vẫn chưa đến được với khán giả không phải vì lý do chuyên môn hay nội dung, mà do sự quan liêu của ngành văn hóa Hà nội.   

  Một trợ lý đạo diễn đã có nhã ý mời nhóm kỹ xảo Panamotion thực hiện cho cảnh quay của một bộ phim có sự tham gia của một con hổ. Tuy nhiên sau đó người trợ lý đã không quay lại xem hình ảnh mô phỏng bằng đồ họa CGI do nhóm kỹ xảo thực hiện.Có thể vì đạo diễn đã thay đổi kịch bản,hoặc ông chưa tin tưởng lắm vào nhóm kỹ xảo mà ông chưa gặp mặt.Sau đó trên chương trình Điện ảnh Kết nối đam mê của VTV2 có cuộc tọa đàm của MC Ngọc Phi đã cùng với Chuyên gia lập trình kỹ xảo đồ họa 3D Đặng Ngọc Hà đàm thoại về kỹ xảo đồ họa 3D mà trong đó con hổ của Panamotion đàng hoàng diễu qua mặt hai nhân vật đối thoại và cúi đầu khi bị ông chủ mắng. Đặng Ngọc Hà cho biết nếu không vì chương trình của V2 phát sóng gấp thì con hổ của nhóm anh sẽ còn sinh động hơn  nữa.

  Trong những trường đoạn hấp dẫn của phim Mùi cỏ cháy có những cảnh máy bay địch quần thảo,dội bom xuống Thành cổ,cảnh quay dưới nước bộ đội ta bị hy sinh vì pháo địch,những quả nổ làm tung xác chiến sĩ vv…khiến người xem kinh hoàng vì “cối xay thịt” Quảng trị 1972.Sau khi phim ra mắt thành công, nhà 

     Ảnh: Thực hiện kỹ xảo phim Mùi Cỏ Cháy 
quay phim có chia sẻ với báo giới về cách thực hiện kỹ xảo của mình liền bị vài đồng nghiệp trong đoàn phim “tuýt còi”:-Ông dại thế,nói lộ là làm kỹ xảo,quay dưới nước ở bể bơi thì người xem sẽ bị mất cảm giác là…mình quay  thật (!)Có quan niệm này vì chúng ta chưa thật tự tin vào công việc mà mình đã làm tốt.Các bộ phim nổi tiếng nước ngoài,ví dụ như Thiên nga đen hay Transfomers… đều được trích kinh phí để thực hiện các trailer về quá trình làm phim,thực hiện kỹ xảo bằng cách nào.Cũng nhờ những đoạn phim “tự nói về mình” mà khán giả náo nức được xem phim, khóc cười cùng nhân vật mặc dù vẫn biết cảnh phim mình xem là giả.Không ai có thể quay đêm ở dưới dòng sông nước đen thẫm,trừ các nhà làm phim discovery với đèn pin xạc để quay dưới nước với cảnh hẹp của vài con rắn biển,và cũng không ai dại gì lấy người đang sống đóng phim cho quả nổ tung xác.Nghệ thuật của phim truyện là hư cấu từ kịch bản mà các cảnh quay trong nó là tạo dựng hoàn toàn.Tài năng của những người làm phim thể hiện ở cách làm sao để người xem bị thuyết phục, tin rằng truyện được sáng tác ra là có thật.Kỹ xảo là một công cụ để đạo diễn và các đồng nghiệp khác chinh phục người xem bằng cách tái hiện lại,nhưng tạo hiệu quả trung thực nhất.
   Từ những câu chuyện vui kể trên để nói lên niềm tin cần thiết đối với đội ngũ những người làm hiệu ứng đặc biêt và sự tự tin của chính những người đã từng làm ra những sản phẩm kỹ xảo trong phim điện ảnh và vô tuyến truyền hình Việt nam.Nếu chỉ mải miết đuổi theo và luôn trầm trồ thán phục hiệu ứng kỹ xảo này nọ từ những bộ phim bom tấn nước ngoài và phấn đấu làm được như thế thì lúc nào phim của ta cũng như thể …biết rồi,khổ lắm…
  Làm kỹ xảo điện ảnh nếu chỉ biết căng phông xanh để  chromma key, hoặc chỉ dựa vào sự mày mò của các lập trình viên đồ họa 3D biết download phần mềm trên mạng là chưa đủ. Chỉ với máy quay kỹ thuật số chuẩn điện ảnh và bàn dựng kỹ xảo cùng các phần mềm mới nhất chưa phải là tất cả. Xem mỗi cảnh kỹ xảo trong phim ta vẫn còn vắng thiếu bàn tay của đội ngũ chuyên nghiệp làm mô hình,sa bàn phục vụ cho quay chroma key hay kỹ xảo phối cảnh ghép. Kỹ xảo điện ảnh có thể làm nên kim tự tháp kỳ vĩ và cũng cho phép con voi chui lọt lỗ kim. Chất liệu trước tiên của kỹ xảo là hình ảnh quay,nhưng manh nha của nó bắt đầu từ ý tưởng đạo diễn và phép phối cảnh của nhà quay phim và các cộng sự. Mỗi hiệu quả kỹ xảo trên phim tạo dựng nên nhờ sự đầu tư bằng kinh phí, công sức lao động ,là sản phẩm trí tuệ của người làm phim mà khán giả điện ảnh luôn đón đợi.Không lẽ những tinh hoa ấy chỉ để làm vật trang sức cho những bộ phim dở ẹc.  

   Đội ngũ làm phim trong đó có những người trực tiếp và gián tiếp liên quan đến công việc kỹ xảo,có lẽ,nên tự hiểu mình hơn trước khi bơi ra biển lớn.   
PTH (Bài đã đăng trên báo Văn Hóa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét