Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

NGHỆ THUẬT CỦA MÀU SẮC

Đỗ Khương Duy
Quay phim Điện ảnh K26 ĐHSKĐA

Một họa sĩ vĩ đại người Nga có nói: “Màu sắc tức là tình cảm”. Câu nói này đã chứng minh rằng màu sắc trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình sáng tác hội họa nói riêng và nghệ thuật tạo hình nói chung. Đồng thời, với các nhà điện ảnh, màu sắc cũng là một thủ pháp giàu sức biểu cảm, kết hợp bố cục, ánh sáng, cách xử lí ống kính vv... để tạo nên đặc trưng của ngôn ngữ hình ảnh.


     Ngay trong cuộc sống hằng ngày, từ tín hiệu đèn giao thông đến màu sắc của những vật dụng thông thường, màu sơn tường trong ngôi nhà… cũng rất khác nhau và chúng đem lại những cảm nhận về tâm tư, tình cảm cũng khác nhau. Các màu sắc cơ bản của tự nhiên gồm có: đỏ, vàng, da cam, lục, lam, chàm, tím…Nhưng trên thực tế, chỉ cần từ mấy màu cơ bản này cũng có thể tạo ra hơn vạn màu sắc khác nhau, còn các màu vẫn thường được dùng trong hội họa, in nhuộm…cũng có tới trên nghìn loài. Mọi màu sắc đều có những tính các riêng khác nhau và gây cho con người những cảm giác rất đa dạng. Ví dụ màu đỏ khiến người ta cảm thấy náo nhiệt, màu trắng đem lại cảm giác về sự thuần khiết, màu xanh da trời khiến ta cảm thấy yên bình, màu xanh lá cây cho ta sức sống rạo rực. Đương nhiên sự cảm nhận và sở thích của mỗi con người đối với màu sắc không giống nhau. Người Trung Quốc thích sử dụng màu đỏ để biểu lộ niềm vui, lễ hội; trong khi người phương Tây lại có thói quen mặc trang phục màu đen và đỏ để biểu thị tang gia. Những khác biệt như vậy về điều kiện xã hội, thói quen dân tộc…Đồng thời cảm nhận về màu sắc của con người cũng có thể thay đổi do sự khác nhau về thời đại, hoàn cảnh hoặc tâm tư tình cảm, trạng tâm lý của con người.
   Nói đến sự liên kết mật thiết giữa màu sắc và khả năng biểu đạt đến tâm lí của con người thì trong lịch sử phát triển của điện ảnh có vô vàn ví dụ về điều đó, xin được nêu ra đây bộ phim:”Đèn lồng đỏ treo cao” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và quay phim Zhao Fei. Một bộ phim thành công bao gồm nhiều yếu tố nhưng có lẽ chính sự sử dụng điêu luyện màu sắc như một chủ thể nghệ thuật đã góp phần khẳng định tên tuổi của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và mang lại cho quay phim Zhao Fei nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Trước khi tìm hiểu về màu sắc của bộ phim, chúng ta hãy tìm hiểu qua một chút về mặt tạo hình và bố cục của những cảnh quay.
Cảnh phim Đèn lồng đỏ treo cao
      Trong bộ phim:”Đèn lồng đỏ treo cao” phần lớn nhà quay phim đã chọn cách bố cục khuôn hình theo quy luật đăng đối. Thậm chí có những cảnh sự đối xứng trong khuôn hình gần như là tuyệt đối. Đó là những cảnh toàn cả một khu nhà với hai bên là những chiếc đèn lồng đỏ được thắp sáng rực hoặc như là những cận cảnh khuôn mặt của nhân vật được đặt ngay chính giữa tâm của khuôn hình. Thoạt nhìn tưởng chừng như những khuôn hình đó không giống với những bài học về bố cục thông thường nhưng khi đã tìm hiểu kĩ thì đó là cách xử lí tinh tế và hiệu quả của quay phim Zhao Fei. Trong quan niệm của mỹ học Phương Đông, sự đối xứng là một điều rất gần gũi với mỗi chúng ta ngay trong cuộc sống hằng ngày như: cách bài trí bàn thờ ông bà tổ tiên, kiến trúc của đình chùa, miếu mạo, hoặc tiêu biểu như cơ thể con người cũng là sự đối xứng hoàn hảo của tạo hóa. Trong ngôi nhà của người Trung Quốc hay một số ngôi nhà cổ của Việt Nam, chúng ta thường bắt gặp cách trang trí như sau: hai bên là đôi câu đối, chính giữa là một bức đại tự hoặc cuốn thư. Do vậy, cách xử lí bố cục đăng đối còn nhằm thể hiện nét đặc trưng của nếp sống và con người phương Đông. Không chỉ vậy, việc đặt nhân vật vào giữa tâm của khuôn hình còn là cách hướng sự tập trung, chú ý một cách trực diện vào nhân vật chính để khắc họa nội tâm nhân vật. Cách bố cục này cũng được nhà quay phim nổi tiếng Vittorio Storato thực hiện trong bộ phim (Hoàng đế cuối cùng), tác phẩm đã mang về cho ông giải Oscar với phần hình ảnh đẹp nhất.
 Bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” cũng rất ít sử dụng ống kính động hay nói một cách khác, động tác máy trong bộ phim cũng được tiết chế tối đa. Sự lựa chọn ống kính này chính là do nội dung, đề tài phim quyết định, đồng thời cũng là chủ ý của nhà quay phim theo đuổi một hình thức thể hiện nghệ thuật riêng cho tác phẩm. Điểm nhấn của “Đèn lồng đỏ treo cao” chính là xoay quanh những mối quan hệ mâu thuẫn, giằng xé, mờ ám giữa ông chủ với bốn bà vợ nên máy quay phim ko can thiệp quá sâu vào câu chuyện mà chỉ đứng ở ngoài để miêu tả diễn biến của câu chuyện đó. Việc sử dụng máy fixe, lấy khuôn hình tĩnh làm chính đã góp phần giúp khán giả tập trung vào sự vận động của câu chuyện với những mạch ngầm và dòng chảy của nó. Trương Nghệ Mưu đã từng phát biểu: “Phim sử dụng rất ít cảnh quay động, đa phần quay cố định. Như vậy xem ra không phù hợp lắm với bản chất của điện ảnh là chuyển động. Vậy điện ảnh tóm lại phải như thế nào? Bản thân tôi cũng chưa cắt nghĩa cho ngọn ngành được. Nhưng quay theo cái cách “không chuyển động” cũng là cả một “hệ tư duy” của nhiều nhà quay phim chúng tôi thời đó, là một hình thức biểu hiện chúng tôi cho là phù hợp và đó cũng chính là lý luận của chúng tôi ngày ấy”
Cảnh phim Đèn lồng đỏ treo cao
      Ngay từ tên gọi “Đèn lồng đỏ treo cao”, việc sử dụng tông màu đỏ trong một số cảnh quay đã được các nhà làm phim nâng lên thành thủ pháp nghệ thuật cho cả bộ phim. Như đã nói ở trên, với người Trung Quốc thì màu đỏ luôn được xem như màu của sự may mắn và hạnh phúc nhưng trong bộ phim này thì màu đỏ lại đi ngược so với giá trị biểu cảm vốn có của no. Bộ phim xoay quanh nhân vật chính Songlian (do Củng Lợi thủ vai) là người vợ thứ tư và là người mới  nhất trong số bốn bà vợ của ông chủ. Trong đại gia đình ấy, chúng ta thấy được những âm mưu, thủ đoạn của bốn bà vợ để tranh giành người chồng, thấy được mối tình vụng trộm của người vợ thứ ba cùng ông bác sĩ và luật lệ hà khắc của gia tộc giành cho những kẻ ngoại tình. Chính vì vậy, tông màu đỏ ở đây nhiều khi được sử lí một cách tô đậm, đặc quánh khiến cho màu không còn sắc tươi nữa mà thay vào đó là một màu đỏ quạch. Đó chính là sự tinh tế của nhà quay phim vì cũng là một màu đỏ nhưng thể hiện ở các sắc thái khác nhau đem lại cảm xúc khác nhau. Màu đỏ lúc này thể hiện sự u uất, ám ảnh và bức bối của Songlian, một cô gái trẻ có biết báo khao khát hạnh phúc lại phải sống trong một gia đình với những mưu toan, lọc lừa, giả dối. Chính sự hà khắc ấy đã giết chết tâm hồn của cô gái trẻ khiến cô cũng trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn. Đỉnh điểm của việc này là cô đã dùng kéo cắt tai người vợ thứ hai khi biết bà này dùng bùa chú để hãm hại cô, tiếp theo đó là việc cô bắt người hầu gái phạm tội quỳ ngoài trời giá lạnh dẫn đến cái chết của cô hầu gái. Bên cạnh đó, nhà quay phim cũng rất chú ý đến việc kết hợp giữa tông nóng và tông lạnh để thể hiện sự mâu thuẫn của thật giả, đúng sai, thiện ác trong câu chuyện như cảnh rezim của ngôi nhà với hai dãy đèn lồng đỏ, cảnh người vợ thứ ba mặc áo gấm đỏ múa hát giữa mặt sân đầy tuyết phủ…Cách cấu tứ bộ phim cũng rất đặc biệt: mở đầu là mùa hạ, tiếp đến là mùa thu và mùa đông rồi lại trở lại mùa hạ gợi cho ta một vòng tuần hoàn rất đặc biệt về thời gian: vòng tuần hoàn khuyết thiếu. Sự thiếu vắng mùa xuân trong bốn mùa khiến ta liên tưởng tới cuộc đời của cô gái cũng không có mùa xuân, mùa của hạnh phúc.
 Để đánh giá một bộ phim màu về mặt màu sắc, có thể tựu chung lại hai yếu tố đó là kĩ thuật và nghệ thuật. Kĩ thuật ở đây chính là cách xử lí của nhà quay phim sao cho màu sắc trong phim phải gần với màu sắc vốn có của đối tượng quay. Nếu màu sắc mấy đi độ chân thực, quá ngả sang một màu nào đó ví dụ như mặt nhân vật bị đỏ như mặt Quan Công thì người xem sẽ cảm thấy khó chịu, như vậy đương nhiên sẽ dẫn đến một hiệu quả nghệ thuật tồi. Tuy nhiên, yêu cầu thẩm mỹ của người xem về màu sắc trong phim không chỉ giới hạn ở mức độ khiêm tốn như thế mà ở mức độ cao hơn, tức là yêu cầu màu sắc phải có tính biểu hiện nghệ thuật , hay nói một cách khác là gam màu của phim liệu đã đủ sức thể hiện được nội dung, tư tưởng và dạng thứ, phong cách của tác phẩm hay chưa, có phù hợp với nội dung hay không. Người quay phim làm chủ được màu sắc phải hiểu rõ thuộc tính và tính tương quan của màu sắc, khả năng đối chọi vè hòa hợp màu sắc, phải giải quyết tốt cấu tứ về màu sắc. nắm vững chức năng nghệ thuật độc đáo mà bản thân màu sắc vốn có, qua đó làm bật lên ý tưởng nghệ thuật mà mình theo đuổi trong tác phẩm.
Nhà quay phim Vittorio Storaro
   Cùng với sự phát triển của câu chuyện, nhà quay phim bổ xung dần thêm những màu sắc mới. Xét về mặt ánh sáng, nhà quay phim cũng đã có dụng ý dùng ánh sáng để khắc họa những biến đổi của Phổ Nghi. Đoạn Phổ Nghi trong Tử Cẩm Thành nhà quay phim luôn xử lý khuôn hình trong một nửa tối mà không cho nhân vật xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời, bởi lúc này về tinh thần Phổ Nghi bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tiếp đó, cũng với những kiến thức mà Phổ Nghi học được từ gia sư của hoàng cung – ông thầy người Pháp Pie-tăng lên, nhà quay phim để cho ánh sáng chiếu lên người Phổ Nghi ngày càng nhiều hơn. Sau khi Phổ Nghi tới Mãn Châu Quốc, trờ thành bù nhìn của người Nhật, mộng tưởng trở về xây dựng lại đế chế của mình thì quay phim lại sử dụng mảng tối hầu như úp chụp lên khuôn hình, giống như cách xử lí khuôn hình thời Phổ Nghi còn nhỏ ở trong hoàng cung. Tiếp đó là cảnh trong ngục, Phổ Nghi hồi tưởng lại cả cuộc đời cùng những lí giải của ông ta về nhân tình thế thái, mảng sáng và mảng tối đã được xử lí như nhau. Khi bộ phim kết thúc, phần màu sắc, mảng tối, mảng sáng hình thành nên sự cân bằng hoàn chỉnh. 
Cảnh phim Hoàng đế cuối cùng
   Một bộ phim nữa cũng  cho thấy sự tài tình trong sự việc sử dụng ánh sáng của Storaro chính là phim “Bản tango cuối cùng ở Paris- The Last Tango in Paris"bắt đầu khá đơn giản. Paul là người Mỹ sống ở Paris nhiều năm, làm chủ một khách sạn cũng là ổ điếm trá hình. Rồi người vợ tự sát trước khi phim bắt đầu mà chẳng hiểu lý do tại sao. Cô gái nhân vật chính thứ 2 tên Jeanne thì trẻ, tràn đầy sức sống và sắp kết hôn với một nhà làm phim hiền lành nhưng quê mùa. Jeanne đang đi tiềm kiếm một căn hộ để ở thì gặp Paul tại một trong những căn hộ cô tìm đến. Đây là căn hộ trống, rộng lớn, có nhiều ánh nắng mặt trời nhưng chẳng có gì thú vị.
Cảnh phim Bản tăng gô cuối cùng ở Paris
Lợi dụng vắng người và bị thôi thúc bởi bản năng, Paul dụ dỗ được cô gái và làm cái việc mà đáng ra ông ta không nên làm và cô gái nên chống cự. Đằng này, mọi việc không những êm xuôi mà Paul còn đề nghị tái ngộ, và cô gái chấp nhận. Hai người tiếp tục gặp nhau lén lút tại căn hộ này. Xuất phát từ một câu chuyện gai góc và đầy tính hiện thực như vậy, Stararo đã chọn cách xử lí ánh sáng rất khác so với phim “Hoàng đế cuối cùng”. Xuyên suốt cả bộ phim là một thứ ánh sáng rất chân thật, gần như tôn trọng tuyệt đối thực tế khiến người xem không nhận thấy rõ rệt bàn tay xử lí của nhà quay phim. Có thể nói rằng trong bộ phim này Storaro đã chiếu sáng như không chiếu sáng. Đây là một công việc rất khó khăn mà không phải nhà quay phim nào cũng làm được vì một khi đã tôn trọng thực tế thì sự sáng tạo sẽ bị giảm đi rất nhiều, nếu xử lí không tốt thì hình ảnh sẽ mất đi tính biểu cảm của nó. Bối cảnh chính của bộ phim là một căn phòng khách sạn nơi hai nhân vật chính thường xuyên gặp gỡ nhau với nguồn sáng chính là từ cửa sổ, tông sáng ở bối cảnh này và gần như tất
 cả các bối cảnh trong phim đều được Storaro xử lí bằng một thứ ánh sáng mềm mại, vừa đủ để không tạo nên độ tương phản quá gay gắt. Màu sắc trong phim chủ đạo là những tông màu chết kết hợp với những cú máy dài- Một trong những sở trường của Storaro và đạo diễn Betolucci, càng nhấn mạnh thêm sự bế tắc trong đời sống của các nhân vật. 
ĐKhD