Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Lặng ngắm tuyệt tác của bầy cừu nơi vùng “đất chết”

Bài và ảnh: NSƯT Phạm Thanh Hà

Là một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam, Ninh Thuận  là vùng đất cuối của dãy Trường Sơn, nhưng khác với các tỉnh ven biển là vùng đất cận hoang mạc với nhiều vùng đất cằn quanh năm khô hạn. Với lượng mưa thấp nhất cả nước, hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận không còn lạ. Nhưng trong điều kiện khí hậu khốc liệt, Ninh Thuận nổi tiếng với những cánh đồng nho tươi tốt và những đàn cừu quanh năm gặm cỏ. Là địa phương có cộng người Chăm đông nhất cả nước với 67.274 người (theo con số thống kê 2009), Ninh Thuận đậm màu sắc lịch sử văn hóa và kiến trúc độc đáo với 3 tháp Chăm, được xây dựng cách đây khoảng 400 - 1100 năm gồm  Tháp Hòa Lai (Ba Tháp), Tháp Po Klong Garai, Tháp Po Rome.

Mỗi buổi chiều ngắm những đàn cừu ung dung gặm cỏ dưới chân tháp cổ Po Rome (thôn Hậu Sanh xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) thấy cảnh sắc thật lãng mạn.
 Đàn cừu bên con sông Quao lịch sử, nơi đồng bào Chăm làng là nơi bà con Chăm làng Bàu Trúc từ xưa vẫn lấy đất về làm gốm.
 Xã Phước Minhnằm bên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thuận Nam tỉnh Ninh Thuận quanh năm chịu cảnh hạn hán, nắng và gió quanh năm. Hơn 1000 hec ta đất canh tác của xã bị bỏ hoang vì hạn hán và nhiễm mặn bởi những dự án làm muối. Đa phần thanh niên trong xã phải bỏ đi nơi khác kiếm sống. Bỏ nghề trồng trọt, một số người Phước Minh chỉ còn dựa vào chăn nuôi cừu. Không có lúa thì nguồn rơm nuôi cừu cũng cạn kiệt. 



Bãi cỏ xưa kia mênh mông rồi cũng trơ ra đất đá vì cỏ cũng không kịp mọc trước hàng trăm con cừu ngày ngày qua lại kiếm ăn. Trụ lại trên vùng “đất chết” này chỉ còn mỗi xương rồng cùng vài loại cây lá thấp khác.

Ông Bạch Huy Linh 55 tuổi cho biết một con cừu từ lúc đẻ ra sau 3-4 tháng được 18-20 kg thì xuất chuồng được. Đàn cừu của ông khoảng 100 con, ngoài ông ra, một số nhà khác nuôi ít thì vài chục, nhiều tới hàng trăm con.
 Đến rễ cỏ cũng không còn ở nơi đất cằn mặn, những con cừu chỉ còn biết kiếm ăn bên những bụi gai.
Thám hiểm qua con đường đất bụi, cánh đồng hoang mở ra bát ngát. Và thật bất ngờ, những cây sanh dại (một dạng cây ô rô) do cừu gặm lá rứt cành ngày qua ngày, tháng qua tháng dần trở thành những hình hài sinh động.

Ba cây sanh cao lớn được các đàn cừu bứt lá để “dựng” thành một “cổng chào” đón khách.

Đi vào trong nữa là cả một công viên bon sai mở ra với nhiều hình hài vừa trừu tượng vừa cụ thể.

Chiếc vương miện được tạo hình từ cây.

Các “kiến trúc sư” cừu như muốn dựng tháp đôi trên đảo nhỏ.

Như muốn thể hiện ước nguyện của bầy cừu nơi quanh năm nắng gió là bàn tay người khổng lồ đón mưa.

Các chú cừu vô tư đã chứng tỏ mình rất có “năng khiếu” tạo hình bằng các tác phẩm nghệ thuật đầy chất lãng mạn có một không hai. Không rõ những bầy cừu hiền lành muốn tạo ra công viên riêng cho mình hay thể hiện mơ ước về một vườn địa đàng từ nơi hoang mạc ?

PTH