Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

ẢNH THẬT VÀ ẢNH GIẢ

Nghệ sỹ NA Vũ Huyến



Ảnh: Văn Luận

Nhà báo Mai Nam là một trong số các phóng viên ảnh tiêu biểu của thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, là tác giả cuốn sách ảnh đen trắng về thế hệ thanh niên Việt Nam mang tên "Một thời hào hùng". Cuốn sách xuất bản đã gây chú ý tới nhiều người nước ngoài. Căn nhà nơi ông ở (104 phố Tô Hiến Thành, Hà Nội) là địa chỉ đến của những người Mỹ nào muốn tìm hiểu về nhiếp ảnh Việt Nam và chiến tranh Việt Nam. Ông Mai Nam cho biết: "Một người Mỹ đã đến đây yêu cầu mua các bức ảnh tôi chụp hồi chiến tranh với một đề nghị: phóng bằng giấy ảnh đen trắng, bằng phương pháp thủ công và không được chỉnh sửa lên ảnh".
Ảnh: Mai Nam
Có lần, một người Nhật làm nghề sưu tầm và xuất bản sách đến 51 Trần Hưng Đạo (trụ sở Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) gặp người viết bài này để sưu tầm ảnh về người dân Việt Nam thời hiện đại. Sau khi xem qua nhiều tập sách ảnh, các cuộc thi ảnh quốc tế, điều bất ngờ đã xảy ra. Anh bạn Nhật tha thiết được xem các ảnh bị loại ra khỏi cuộc thi, không được sử dụng trên các tạp chí nhiếp ảnh và các loại ấn phẩm. Anh tâm sự: "Tôi ở Việt Nam đã vài năm và nhận thấy người Việt Nam ở ngoài đời rất khác với họ trên các ảnh đăng báo và sách. Trên sách của các ông, sao gương mặt họ lại gượng gạo và vô cảm đến thế! Có vẻ như họ đang thực hiện những ý đồ nào đó của nhà nhiếp ảnh".
Điều gì rút ra từ đề nghị của một người bạn Mỹ khi gặp ông Mai Nam và một người bạn Nhật Bản khi gặp tôi?
Nhiếp ảnh có nhiệm vụ phản ánh cuộc sống qua khoảnh khắc. Mọi sự can thiệp, làm sai đi, méo mó đi hình ảnh đời sống đều trở nên vô nghĩa, chí ít là giảm đi vẻ đẹp vốn có của hiện thực. Người xem ảnh bỗng nhận ra mình đang bị lừa phỉnh, dẫn dắt...
Ảnh: Phan Thoan
Ảnh: Vũ Huyến
Trong ảnh chân dung để nhận dạng, không thể xoá đi một nốt ruồi, một nếp nhăn, không thể đeo kính cận cho nhân vật nếu như anh ta không cận. Chính sửa ảnh cần hiểu là có thể vá víu những lỗi nhỏ do chất liệu bản chụp bị khiếm khuyết chứ tuyệt đối không được thêm thắt, thay đổi, lắp ghép bổ sung các hình ảnh mới để "cơi nới" nhiều hơn, kể nhiều hơn...
Sự nực cười và vô lý đến phản lại nghệ thuật khi có nhiều người tăng màu vô lối, dùng mây mùa này thay lên nền trời khi chụp ở một mùa khác, lấy mây châu Âu ghép vào bầu trời của miền Trung ở Việt Nam, v.v...
Sự sắp đặt người mẫu, nhân vật và hiện vật có thể có trong các loại ảnh chân dung salon, ảnh tĩnh vật hay ảnh thể nghiệm, ảnh "nuy",v.v... lại hoàn toàn không được áp dụng trong các loại ảnh chụp tại chỗ nhằm tìm kiếm, phát hiện các vấn đề của cuộc sống. Đưa nhân vật từ ngoài xã hội vào trong buồng chụp với các dụng cụ, đạo cụ, chọn người có khuôn mặt phù hợp để làm giả người lao động, giả công nhân, giả nông dân, giả bộ đội rồi chụp ảnh... là lối chụp phản nghệ thuật cần phải mạnh mẽ lên án.
Ảnh: Phạm Thanh Hà
Nhưng ngay cả khi nhân vật, sự việc có thật đi chăng nữa mà nhà nhiếp ảnh đó buộc họ diễn lại, đóng lại cũng là việc không nên làm. Trong trường hợp này, tấm ảnh có thể đạt tới mức chuẩn mực bố cục, ánh sáng nhưng khoảnh khắc từ cuộc đời thực, điều cần có nhất lại bị đánh mất, bởi các nhân vật đang hành động và "suy nghĩ" theo phương thức có sẵn của cá nhân nhà nhiếp ảnh. Đây chỉ là khoảnh khắc chủ quan của đạo diễn (nhà nhiếp ảnh) và của diễn viên (nhân vật chọn chụp).

Nhanh chóng chớp lấy, "bắt sống" lấy đối tượng ở những phút điển hình nhất để sao cho khoảnh khắc ngắn ngủi ấy nói đươc nhiều điều nhất, có sức sống lâu dài nhất, có tác dụng xã hội nhất là trách nhiệm lớn nhất của mỗi nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
V H