Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018


           Khuôn hình nhiếp ảnh 

                                                                  NSƯT-NSNA Phạm Thanh Hà 
Nhiếp ảnh đã vượt qua cái ngưỡng để làm sao lưu giữ được hình ảnh của vật thể qua tác dụng của ánh sáng... và là chiếc máy không cần bút vẽ   như mục đích ban đầu của Niepce và Daguere trong nửa đầu thế kỷ 19 đã phấn đấu. Phía trước khung ngắm máy ảnh không chỉ là là những gì nhiếp ảnh gia nhìn thấy mà là kết quả của sự quan sát. Hiện thực được tái tạo bằng hiệu ứng ánh sáng, độ tương phản, tông màu. Nhưng trước hết và trên hết là bố cục các yếu tố hình thức trên mặt phẳng.
Theo Berthold  Beiler, quá trình sáng tác ảnh của nhiếp ảnh gia được tiến hành theo ba bước:
-         Bước 1: Trong số vô vàn vật thể có mặt trên hiện trường người chụp ảnh chọn một đối tượng và định xử lý nó như thế này hoặc thế kia …một cách hợp lý và có thẩm mỹ.
-         Bước 2: Tùy theo tính chất thẩm mỹ mà người chụp muốn làm sáng tỏ hay muốn nâng cao trong bức ảnh, trong giây lát anh ta phải nắm bắt được và đưa vào “nguồn sáng thích hợp”
-         Bước 3: Vận dụng kỹ thuật để chuyển hóa ý đồ tư tưởng vào trong một bố cục ưng ý. (Suy nghĩ về nhiếp ảnh, NXB Văn hóa 1986- Trang 35)
Nhiếp ảnh ban đầu tiếp thu những nguyên lý tạo hình từ hội họa. Nhưng chính nhiếp ảnh cũng đem lại cho hôi họa những khái niệm mới và một trong những cái mới đó là Khuôn hình. Đối với hội họa cho đến tận thời Ấn Tượng kích thước các chủ thể (nhân vật chính ) của bức tranh này so với bức tranh kia chẳng khác là bao. Các họa sĩ thường bằng lòng với kiểu bố cục “dàn cảnh tổng quan”- cái nhìn toàn cảnh,  các nhân vật vẽ ở hàng phía trước của tranh thường được vẽ đủ từ đầu đến chân. Khuôn hình tranh khá ước lệ, tạo ra ấn tượng là các nhân vật đang diễn kịch trên nền sân khấu. Cuối thế kỷ 19 khi nhiếp ảnh ra đời khái niệm khuôn hình bắt đầu xuất hiện trong hội họa.
Khuôn hình vừa là khái niệm cụ thể những cũng rất trừu tượng trong nhiếp ảnh. Với bất kỳ người chụp ảnh nào dù việc làm quen với khuôn hình bắt đầu bằng khung ngắm khi lựa cảnh. Với số đông người chụp ảnh nghiệp dư với mục đích chụp lấy cảnh thì hình ảnh họ nhìn thấy trong khung ngắm chính là khuôn hình vì mục đích của họ là có gì chụp nấyKhi người chụp ảnh ngắm, khung hình trong máy còn biểu thị các chỉ số về ánh sáng, về giới hạn hình ảnh. Các máy ảnh kỹ thuật số còn có thể thay đổi khuôn hình bình thường hay panorama.


       Ảnh: Khung hình máy ảnh kỹ thuật số

Vậy khuôn hình nhiếp ảnh là gì ?
Nói theo A. Lapin, nhiếp ảnh gia- nhà lý luận người Nga, đó là mặt phẳng tạo hình, là  định dạng khuôn hình ảnh. Bức ảnh là một phần của thế giới hiện thực được người nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại. Trong khuôn khổ của kích thước tấm ảnh, người chụp giới hạn không gian, nhấn vào những chi tiết, những tình tiết có khả năng thể hiện tốt nhất ý tưởng hay dự định nghệ thuật của mình. Công việc sáng tạo nghệ thuật trong nhiếp ảnh bắt đầu như thế. Có người nói rằng khuôn hình chính là “chiếc kéo nghệ thuật” của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Phương tiện biểu hiện này luôn được sử dụng cùng với những thủ pháp khác một cách có tổ chức và hài hòa, phù hợp với những đặc điểm của nội dung, cốt truyện. Công việc giới hạn, chọn lựa trong khuôn hình của nhiếp ảnh gia đã hàm chứa những sức mạnh đặc biệt, quyết định đầu tiên dẫn đến thành quả nghệ thuật của bức ảnh.
Việc lựa chọn kích thước các cạnh tương ứng để tạo thành khuôn hình, hay nói cách khác là việc cắt cúp khuôn hình phụ thuộc vào quan niệm của tác giả và đặc điểm của nội dung bức ảnh chứ không phải vào những nguyên tắc định trước.
Tỷ lệ vàng có chứa đựng những tiền đề sinh học, nó xuất phát từ những tỉ lệ mà chúng ta thường gặp trong tự nhiên:
Ví dụ: 
+ 1:1,6 là tỉ lệ của bàn tay người với xương quay của nó
+ 3:5 là tỉ lệ của chiều rộng vai với chiều cao của thân thể con người hay trong tỉ lệ của những đồ vật, vật dụng hàng ngày như kích thước của cái cửa sổ, cửa ra vào trong quan hệ với kích thước của con người, tỉ lệ của các cạnh quyển sách, quyển vở chúng ta thường sử dụng trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những tỉ lệ vàng này không phải là bất biến, không phải là tuyệt đối. Quyết định về kích thước, tỉ lệ khuôn hình cuối cùng vẫn thuộc về ý đồ nghệ thuật, cảm thụ thẩm mĩ và sự sáng tạo của người nghệ sĩ. 
Độ lớn của các cạnh khuôn hình (chứ không phải tỉ lệ của chúng) là yếu tố quyết định kích thước của một bức ảnh, có thể vài xăng ti mét  đến vài mét mỗi cạnh khi tấm ảnh được phóng ra. Trong thực tế sử dụng có thể gặp nhiều cỡ ảnh khác nhau. Một số cỡ ảnh thông dụng nhất trong đời sống là: 6x9, 9x12,10 x15cm, 13x18cm, 18x24cm, 30x40cm, 40x60cm, 50x75cm … Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, công nghệ in phóng ảnh đã trở nên rất hiện đại với giá thành ngày càng rẻ. Người ta thường sử dụng những cỡ ảnh lớn để triển lãm hoặc rất lớn căng ở các biển  quảng cáo ngoài phố.
Khuôn hình phim điện ảnh khác với khuôn hình nhiếp ảnh luôn phải là khuôn hình ngang, với kích thước chiều ngang luôn lớn hơn chiều cao. Cả một bộ phim chỉ dùng một khuôn hình thống nhất 1: 1,33, 1:1,78, 1:1,35, 1:2,35, 1:2,20 tính theo tỷ lệ chiều dọc với chiều ngang khuôn hình. Khuôn hình truyền hình cũng vậy, một phần dựa vào một số khuôn hình kinh điển của điện ảnh để được định dạng trong khung ngắm máy quay và màn ảnh truyền hình, gồm các khuôn hình 4;3, 16;9, 21;9.
Khuôn hình nhiếp ảnh được tự do hơn nhiều, thậm chí có thể gọi là tùy ý có thể ngang, có thể đứng với các tỉ lệ khuôn hình hoàn toàn tự do. Ở khía cạnh nào đó có thể xem đây cũng là một phương tiện biểu hiện hữu hiệu của nghệ thuật nhiếp ảnh. Tuy vậy, hướng năng động tự nhiên của chủ thể sẽ quyết định chiều dọc hay đứng của của khuôn hình. 
Với cảnh quan cánh đồng bát ngát, bãi biển xanh thoáng đãng hay con đường đê... thì khuôn hình ngang luôn thỏa mãn đôi mắt người xem. Khuôn hình ngang cũng được gọi là khuôn hình kể chuyện.
                        Ảnh: Một sớm đầu năm= Phạm Thanh Hà 
Ở điểm nhìn gần các công trình kiến trúc, cây cối với chiều vươn thẳng đứng thích hợp với khuôn hình dọc. Dạng khuôn hình này còn hay được sử dụng trong những ảnh đối xứng trên dưới.
                   Ảnh: Bình yên Zaans Schans - Phạm Thanh Hà
Với A. Lapin, khuôn khổ chiều ngang phù hợp hơn với sự trần thuật, khung chiều dọc tương ứng với hoạt động tích cực. (Nhiếp ảnh là…, Chương 1, trang 33)
Trong sáng tác khuôn hình vuông tùy theo ý đồ hoặc phong cánh của các tác giả.
                   Ảnh: Glacier National Park (1942) - Ansel Adam
Khuôn hình vuông giúp mắt người xem nhanh chóng định hình chủ thể chính, bớt phân tán với các chi tiết hình và các màu sắc trong ảnh. Ảnh vuông bảo đảm tuyệt đối ánh sáng đều về mọi hướng khi ống kính thu hình ảnh vào mặt phim hoặc cảm biến. Trong khung hình vuông chủ đề chính đặt ở trung tâm đem lại hiệu quả cao. Bố cục đối xứng cũng thích hợp trong khuôn hình này.
PTH

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

NHỮNG ĐẶC THÙ CỦA NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH


                                                                         NSƯT-NSNA PHẠM THANH HÀ 

Nhiếp ảnh - Nghệ thuật ra đời từ kỹ thuật

Thuở sơ khai loài người đã phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, họ  bước đi chập chững trên mặt đất, vạch lá chặt cây làm nơi trú mưa, sống bầy đàn trong hang đá để tránh thiên tai và thú dữ. Con người đã từng bước cải tạo chính mình và cải tạo thiên nhiên. Với bộ não phát triển và đôi tay khéo léo, từ tiếng nói đến chữ viết, trải qua những quãng dài nhiều chục nghìn năm những nền văn minh nhân loại đã ra đời. Nghệ thuật tạo hình cũng sinh ra trong dòng chảy lịch sử của nhân lọai. Đã có không ít tài liệu nói đến những tác phẩm nghệ thuật hình ảnh đầu tiên của con người từ tranh vẽ trong hang rồi đến những hình họa khắc trên đá. Sẽ còn nhiều hội thảo khoa học quốc tế về những hình chạm khắc cổ bí ẩn và ý nghĩa mang tính nghệ thuật đầy ngẫu hứng tại bãi đá cổ Sa Pa của Việt Nam, về tranh trên vách đá ở Pháp, Tây Ban Nha...
Từ những tác phẩm hội họa vô danh trên những bức tường nhà thờ, lâu đài cổ, nghệ thuật hình ảnh mà tiêu biểu là hội họa, điêu khắc đã phát triển rực rỡ thành những trào lưu, trường phái với các tác giả tiêu biểu cho mỗi giai đoạn phát triển như Leonardo da Vinci(1452-1519) ở Ý, Rembrandt Harmenszoon (1606-1669) ở Hà Lan, cùng nhiều các họa sỹ vĩ đại Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc vv… Tác phẩm của họ hiện vẫn đang trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng thế giới với hàng triệu lượt khách viếng thăm hàng năm.
Với sự phát triển của văn minh nhân loại, nghệ thuật vẽ, chạm, khắc  bằng tay dần thu hẹp lại. Hình ảnh do bàn tay con người tạo ra đàn bị tước mọi khả năng cơ bản nhất của nó. Khả năng khêu gợi sự ngạc nhiên trước thực tế, cuộc sống, con người của Nghệ thuật phục hưng Ý, của Chủ nghĩa hiện thực Pháp trong hội họa cũng như khả năng ma lực của bàn tay các nghệ nhân thuở xưa đến thời nay đều trở nên bình thường. Nhiếp ảnh đã thâm nhập vào những lĩnh vực truyền thống của hội họa như chân dung, tường thuật, sinh hoạt. Hiện nay nhiếp ảnh là một nghệ thuật tạo hình trong thế giới đương đại cùng với hội họa, điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh. Hình họa chân dung từ địa vị cao sang và độc tôn dành cho vua chúa, quý tộc hay những nhân vật khác có đặc quyền đã trở thành những hình ảnh quảng đại, thành hàng hóa trong sự hoàn thiện kỹ thuật của nhiếp ảnh. Nếu như bức họa Mona Lisa được họa sỹ thiên tài Leonardo da Vinci thực hiện trong 4 năm (từ 1503-1507) thì hiện nay chỉ trong chốc lát người nhiếp ảnh gia có thể chụp ngay được một tấm chân dung người mẫu trong studio hay thiếu nữ thanh xuân ngoài trời. Không riêng người chụp chuyên nghiệp, bất kỳ một con người bình thường nào cũng có thể dung máy ảnh hiện đại hoặc điện thoại thông mình để chụp cảnh hoặc selfie tại những địa danh nổi tiếng.

Minh họa 1-1: Trong bảo tàng Louvre. Ảnh- Thanh Duy. 
Trong bức ảnh trên là hàng trăm du khách đua nhau chụp lại, tự chụp mình trước bức họa Mona Lisa nổi tiếng trong bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris- CH Pháp. Được biết mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt người khách du lịch đến gian trưng bày này rồi đem về hoặc chia sẻ cả trăm nghìn bức hình chụp lại các tuyệt tác hội họa cũng như ảnh của chính những du khách. Đến mức Davit Piper trong cuốn sách Voir et Comprendre la Peinture (Thưởng ngoạn hội họa, trang 17, biên dịch Lê Thanh Lộc - NXB Văn hóa Thông tin Hà Nội 1997) đã phải thốt lên: - Có vẻ từ nay nghệ thuật đã mất đi khả năng thực tiễn của nó là làm nhân chứng và gìn giữ kỷ niệm, cái chức năng được máy chụp ảnh thực hiện một cách rẻ tiền và nhanh chóng…
Khuôn khổ bài viết này sẽ không đi quá xa vào tính đại chúng của nhiếp ảnh mà muốn nhấn mạnh: nghệ thuật tạo hình hiện đại không chỉ được thực hiện bằng đôi tay khéo léo của con người mà còn được sáng tạo nhờ sử dụng công nghệ. Nhiếp ảnh, điện ảnh và truyền hình đều ra đời từ những phát mình kỹ thuật.
Có họa sỹ cho rằng hội họa đã khai sinh ra nhiếp ảnh. Chắc chắn đó là một nhận định chưa đúng vì những thí nghiệm của nhà khoa học Pháp Joseph Nicéphore Niepce (1765-1833) vào khoảng năm 1826-1827 trong căn phòng làm việc của mình tại Saint Loup de Vanrennes Saint-Loup-de-Varennes, đã thực hiện thành công bức ảnh cố định (permanent photograph) đầu tiên với tên La cour du domaine du Gras. Bức ảnh được thực hiện trong vòng 8 giời đồng hồ. Mục đích của Niepce là làm sao lưu giữ được hình ảnh của vật thể qua tác dụng của ánh sáng... Bức ảnh này hiện còn được lưu giữ trong bộ sưu tập của Gernsheim ở trường ĐH Texas (Mỹ). Có thể nói đây là bức ảnh xưa nhất tồn tại đến nay mà thời ấy Niepce gọi đó là hình ảnh còn sống sót trong thế giới thực. Luois Jaques Mandes Daguere (1878-1851), nghệ sỹ, nhà vật lý học người Pháp đã cộng tác và kế tục công việc của Niepce để phát minh ra chiếc máy ảnh chụp bằng phương pháp dương bản. Bức ảnh Đại lộ Templ (1838) có thời gian chụp 10 phút của Daguere hình ảnh chỉ có độc bản (không phải chụp từ negative rồi phóng ra giấy như ảnh chụp phim sau nảy). Ông phải hiện hình qua thủy ngân độc hại và phải xem với một góc độ thích hợp. Sáng chế của Daguere được chính phủ Pháp mua lại để tặng cho toàn nhân loại. Và năm 1839 đánh dấu sự ra đời chủa nhiếp ảnh thế giới.
Phát minh về hiện và lưu ảnh của Niepce và Dauege khác hẳn với phương pháp chép cảnh trong buồng tối camera obscura mà các họa sỹ châu Âu vận dụng từ mấy thế kỷ trước thời đại của hai ông.
                                        Minh họa 1-2: Camera obscura
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, kỹ thuật nhiếp ảnh đã có những bước tiến dài các thế hệ máy ảnh không ngừng được cải tiến và hoàn thiên. Từ chỗ hình ảnh được hiện nhờ các tấm kính tráng muối bạc, việc chụp ảnh về sau chuyển sang dùng phim miếng, phim cuộn với lớp gelatin tráng các lớp nháy sáng và nhạy màu. Đến nay máy ảnh kỹ thuật số với chip cảm biến hiện đại chuyển tín hiệu hình ảnh thành những dãy số để lưu trữ, xử lý hậu kỳ theo quy trình giải mã thuật toán khi in ra ảnh.
Sự thay đổi về công nghệ của của nhiếp ảnh cũng nằm trong quy luật phát triển mà nghệ thuật tạo hình bằng tay của hội họa và điêu khắc từng trải qua trước đó. Đó là sự phát triển của phương tiện và vật liệu tạo hình. Thuở đầu con người vẽ, khắc trên đá, trên gỗ rồi trên giấy, trên vải… Nặn tượng bằng đất nung, đúc đồng, ghép hình bằng gốm sứ, hay vẽ trên những tấm vải toan bằng bút vẽ đều được thể hiện bằng đôi tay. Nhiếp ảnh thu hình ảnh qua ống kính quang học rồi tái hiện lại chúng bằng chất liệu cảm quang trên mặt phim, in hình trên mặt giấy hoặc phóng hình ảnh bằng máy chiếu. Sự ra đời và phát triển của nhiếp ảnh gắn liền với cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 19. Cũng trong dòng thác công nghệ ấy điện ảnh rồi truyền hình cũng lần lượt xuất hiện.

Nghệ thuật nhiếp ảnh và hội họa:

Các họa sỹ cho rằng nhiếp ảnh ra đời từ hội họa có lý một phần vì Louis Daguere trước khi công bố bức ảnh đầu tiên của mình bằng phương pháp hiện ảnh đã là họa sỹ và ông mang ý tưởng làm ra chiếc máy không cần bút vẽ. Chỉ sau phát minh ra máy ảnh của Daguere vài năm, đến năm 1843 các họa sỹ người Scotland David Octavius Hill ( 1802-1870) và Robert Adamson (1821-1848) đã thể hiện những bức ảnh chân dung mang tính hội họa trong đó chuyển tải tính cách của thế giới nội tâm khi tạo hình nhân vật.

    Minh họa 1-3: Ảnh chân dung của David Octavius Hill và Robert Adamson

Những bước đi tiên phong của các họa sỹ trong lĩnh vực nhiếp ảnh đã đem đến cho nghệ thuật non trẻ này những thủ pháp tạo hình truyền thống của hội họa. Đó là sự kế thừa các phương pháp bố cục, biểu hiện  ánh sáng và các nhiếp ảnh gia hiện nay vẫn vận dụng những tinh hoa của tạo hình hội họa. Theo M.X Kagan ( Mỹ học và Ảnh Nghệ thuật – NXB Văn hóa Hà Nội 1980, trang 71) mối quan hệ giữa nghệ thuật nhiếp ảnh và hội họa đã được hình thành và sẽ còn phát triển…. Ở thời kỳ đầu nghệ thuật nhiếp ảnh còn non trẻ đã ra sức học tập bà chị của mình-(M.X Kagan)
Sự phát triển nhảy vọt về công nghệ của nhiếp ảnh cũng như những thành tựu của nó trong các lĩnh vực tạo hình, báo chí, và mọi đời sống xã hội, một mặt giúp nó củng cố vững chắc vị trí của  một loại hình nghệ thuật hiện đại, mặt khác vẫn bị dị nghị. Cũng theo M.X Kagan ( Mỹ học và Ảnh Nghệ thuật – NXB Văn hóa Hà Nội 1980, trang 11-12) thì nhiều nhà lý luận mỹ học hiện nay vẫn coi nhiếp ảnh là sự sao chép hiện thực trong khi đối với nghệ thuật thì máy móc chỉ làm trung gian trong việc xây dựng hình tượng. Họ cho rằng nhiếp ảnh mô tả các đối tượng một cách thụ động trong khi nghệ thuật đúng nghĩa là sự tái tạo hiện thực khách quan một cách chủ động và sáng tạo. Khác với các loại hình nghệ thuật truyền thống vừa miêu tả đối tượng, vừa biểu lộ quan hệ của mình với các đối tượng đó thì nhiếp ảnh bị hạn chế ở chỗ chỉ sao chép đối tượng. Họ cho rằng chỉ đạo nhiếp ảnh không phải bằng tài năng mà bằng kỹ năng còn nghệ thuật là kết quả của đầu óc tưởng tượng, là con đẻ của tài năng và cảm xúc. Về phía những người bảo vệ nghệ thuật nhiếp ảnh thì khẳng định hình thức sáng tạo mới mẻ này, là phương tiện đặc biệt miêu tả thế giới nhìn thấy, … bức ảnh sẽ trở thành nghệ thuật nếu tác giả của nó có kỹ năng và năng khiếu thẩm mỹ.
Sử dụng nhiều thủ pháp tạo hình truyền thống của hội họa nhưng nhiếp ảnh đã vượt qua hội họa ở tính hiện thực. Ảnh tài liệu đem lại cho người xem những thông tin, tin tức tuyệt đối khách quan, không bị bất cứ nguyên nhân chủ quan nào chi phối. Hơn thế nữa, nhiếp ảnh còn là nghệ thuật của khoảnh khắc. Nó cho chúng ta nhìn được cuộc sống lưu lại từ trong những 1/50 giây, 1/1000 giây … hết sức ngắn ngủi để lưu lại và diễn tả những hiện tượng và biểu cảm rất khó nhận ra từ đời sống. Năm 1957 Henry Cartier-Bresson từng trả lời tờ Washington Post Washington Post rằng: "Nhiếp ảnh không giống như tranh vẽ. Có một phần sáng tạo trong giây lát khi bạn chụp một bức tranh. Mắt của bạn phải nhìn thấy một bố cục hoặc một biểu hiện mà chính bản thân cuộc sống cung cấp cho bạn, và bạn phải biết trực giác khi bấm vào máy ảnh. Đó là thời điểm mà nhiếp ảnh gia sáng tạo” .
                            Minh họa 1-4: Ảnh Elliott Erwitt
Ảnh nghệ thuật có nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng hình tượng nhân vật, nói lên mối quan hệ của các sự kiện đối với con người và nói lên giá trị tâm lý xã hội đối với những sự kiện ấy.
Nhiếp ảnh- sự câm lặng vĩ đại, như những nghệ thuật tạo hình trước nó đã làm được. Một khung tranh, một bức ảnh cũng có câu chuyện kể về những số phận mà không cần phải nói bằng lời. Người xem sẽ tự cảm nhận ngôn ngữ của nhiếp ảnh thông qua sự đậm nhạt, màu sắc, ánh sáng cũng như thần sắc nhân vật trong ảnh.

Nhiếp ảnh và điện ảnh:

Nhiếp ảnh cũng như điện ảnh đều là nghệ thuật từ công nghệ. Nhưng một khuôn hình trích ra từ một cảnh quay không thể so sánh với một bức ảnh nhất là nó không được nhận thức trong một loạt các khuôn hình liên tiếp khác và trong mọi trường hợp nó không được thiết lập để xem xét như một hình ảnh nhiếp ảnh- Alecxandr Iosifovich Lapin đã viết trong cuốn sách Nhiếp ảnh là ... (NXB Treemedia 2013, tr 189). Điện ảnh là chuyển động. Theo nhà lý luận lỗi lạc, nhiếp ảnh gia Nga, người nổi tiếng với hơn 20 cuộc triển lãm quốc tế và nhiều tác phẩm được lưu giữ ở các bảo tàng thế giới, thì đó là chuyển động của từng hình, tạo nên ảo giác chuyển động vật lý thực tế trên màn ảnh, đó là chuyển động nhân vật hoặc mẩu riêng rẽ của tường thuật điện ảnh, bị hạn chế bởi các cảnh trước và sau nó. Chúng có thể thay đổi góc nhìn hay cỡ cảnh, có thể là cú lia hoàn chỉnh hay camera tiến lùi, hoặc như không gì thay đổi cả, chỉ là nhân vật mở mắt hay là đút tay vào túi- (Trang 188)

Cảnh quay - cơ sở của khái niệm ngôn ngữ điện ảnh, đơn vị nhỏ nhất của montage. Một trường đoạn gồm nhiều cảnh phim, mỗi một bộ phim bao gồm nhiều trường đoạn với cả nghìn cảnh quay với hàng trăm ngàn frame ảnh.
Nhưng với nhiếp ảnh chỉ một lần bấm máy với một frame hình lưu lại thôi đã là một tấm ảnh độc lập có một thế giới thông tin và có một câu chuyện kể bằng ngôn ngữ hình riêng.
Nhưng so với Điện ảnh là Nhiếp ảnh động với 24 hình liên tiếp trong một giây, liệu một hình ảnh được fic lại như trong tác phẩm nhiếp ảnh hoặc (một bức tranh) có những yếu tố sống động ?
         

                                      Minh họa 1-5- Tranh Vào ban đêm. Sóng xanh 1876
Trong bức tranh của họa sỹ lãng mạn Nga Ivan Aivazovxki là những đợt sóng muốn nhấn chìm con tàu với cột buồm chao nghiêng, người xem cảm nhận được là sóng cuồn cuộn cùng nỗi kinh hoàng của dông tố. Ngoài mặt biển điên cuồng là những cơn gió mạnh không ngừng thể hiện qua hai lá cờ quằn quại trên cột buồm. Khoảnh khắc trong một bức tranh tĩnh nhưng chứa đựng bên trong sự dữ dội của biển cả khiến người xem như đang nghe âm thanh sóng dữ. 


                           Minh họa 1-6: Đà Lạt lúc lên đèn. Ảnh Phạm Thanh Hà
Bức ảnh trên do tác giả (PTH) chụp trong đợt sáng tác tháng 3-2016 của các nghệ sỹ Đại học Sân khấu Điện ảnh tại thành phố Đà Lạt. Thành phố vừa từ chiều chuyển sang tối với ánh đèn bừng sáng khắp thánh phố, in bóng xuống hồ Xuân Hương thơ mộng. Sự chuyển động của cuộc sống thể hiện qua những vệt sáng do xe cộ vẽ nên quanh bùng binh trung tâm thành phố, như rắn lượn quanh hồ. Bức ảnh được lộ sáng với thời gian 30 giây. Lưu một khoảng thời gian dài vào một khoảnh khắc trong khuôn hình là một thủ pháp tạo hình độc đáo chỉ riêng của nhiếp ảnh. Nếu xem khuôn hình trên bằng hình ảnh do máy quay phim ghi lại người xem sẽ thấy cụ thể những chiếc ô tô to nhỏ cùng xe máy nối đuôi nhau chạy trong một cảnh quay độ dài nhiều giây. Nhưng trong bức ảnh chúng bị mất dạng và để lại những vệt kẻ sáng. Cùng một nguyên lý tái hiện hình ảnh và màu sắc nhưng khác nhau phương tiện kỹ thuật, thủ pháp thực hiện, điện ảnh và nhiếp ảnh diễn đạt sự sống động bằng ngôn ngữ khác nhau.
Tác phẩm hội họa của Ivan Aivazovxki nêu trên cũng nói lên rằng, dù hình thức biểu đạt khác nhau nhưng các tác phẩm nghệ thuật tạo hình đều có điểm chung là đều mang cảm xúc thẩm mỹ của người sáng tác và tính tạo hình bằng những ngôn ngữ của ánh sáng, đường nét trong các tác phẩm của họ. “Người nghệ sỹ trong lĩnh vực nhiếp ảnh, cũng như trong các lĩnh vực khác là người điều khiển các ý tưởng, tư duy sáng tạo các hiện tượng hình ảnh và hoàn thiện chúng bằng trình độ nghề nghiệp của mình. Anh ta tự do với nội dung cảnh chụp và thời điểm hành động, theo thời gian; anh ta lựa chọn vị trí chụp và tính chất ánh sáng của đối tượng hình ảnh; trong việc xử lý kỹ thuật và thủ pháp nghệ thuật – những hệ thống quang học khác nhau, kính lọc màu, các phương pháp tráng phim negative và positive, góc độ, thấu thị ảnh, cỡ cảnh, cấu trúc đường nét và tông mật độ của khuôn hình. Đó là những công cụ điều hành các phương tiện luôn ngoan ngoãn và phục tùng người nghệ sỹ, cho phép làm sâu sắc và mở toang ý tưởng, đề tài cho nội dung và đạt tới hình tượng thể hiện của chủ đề trong quyết định tạo hình cuối cùng của bức ảnh. Như vậy, trong nhiếp ảnh không có gì cản trở việc hình thành tác phẩm nghệ thuật. Nó bước vào thế giới nghệ thuật khi nhiệm vụ của nó là khám phá con người và tái hiện hiện thực cho những bức ảnh thông qua các hình tượng nghệ thuật”- (Đưco Lidia Pavlovna, Những cơ sở bố cục ảnh, trang 6)  
       
PTH 

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

BÀN VỀ TÍNH CHUYÊN NGHIỆP TRONG NHIẾP ẢNH


NSƯT, NSNA Phạm Thanh Hà         
                                                           

Ảnh Elliott Erwitt

Kể từ khi ra đời, nhiếp ảnh là một trong những lĩnh vực văn hóa có tính quảng đại cao. Trong xã hội phát triển hiện nay nhiều người đã tự chụp lại các sự kiện gia đình mà không cần đến nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Sự bùng nổ truyền thông từ thập kỷ cuối thế kỷ 20 đến nay đang càng trở nên sôi động. Trên báo điện tử, mạng xã hội, các bức ảnh phản ánh đời sống xã hội từ những góc sâu thẳm nhất từ cuộc sống từng cá thể được cập nhật, nóng hổi tới từng giây phút với lượng người xem đông đảo.
Trong lĩnh vực sáng tác hình ảnh cũng vậy. Ranh giới cách biệt giữa các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư cũng không xa. Một người “chơi ảnh” trong một giây lát may mắn có thể chụp được một bức ảnh có giá trị về nghệ thuật khiến nhiều nhiếp ảnh gia đẳng cấp phải ghen tỵ. Một nghệ sỹ nhiếp ảnh có tiếng đến một ngày nào đó sẽ giật mình khi bức ảnh của mình bị một người chụp nghiệp dư ‘vượt mặt’ nhờ một phút xuất thần trong điều kiện thiên thời địa lợi.
Nghệ thuật của nhiếp ảnh tồn tại bởi việc ca ngợi và cô đọng hiện thực, làm sáng rõ bản chất sự thực. Nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia chuyên hay không chuyên đều giống nhau – đó là phản xạ bằng trực giác và nắm bắt được khoảnh khắc độc đáo.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng suy ngẫm trong thị trường nhiếp ảnh trong nước là việc đánh đồng chất lượng giữa nhiếp ảnh chuyên nghiệp với nghiệp dư. Khi nhiếp ảnh càng được xã hội hóa sâu rộng thì càng bộc lộ nhiều hạn chế và nhược điểm trong việc sáng tạo hình ảnh. Những người “chơi ảnh”, giống như người chơi hoa, nói theo Berthond Beller trong cuốn Suy nghĩ về nhiếp ảnh là người chụp ảnh ngoài giờ, thì những bức ảnh chụp ra trong điều kiện này không đại diện cho ước vọng to lớn của người chụp. Nhà lý luận mỹ học của CHDC Đức trước đây đã giải thích, vì bức ảnh như một phương tiện truyền thông, mối quan hệ giữa “cái tôi” và “cái tổng thể”, cũng giống như người đi tìm chất liệu cho những bức ảnh có nội dung để phục vụ cho một cuộc sống đầy ý nghĩa. Nhiếp ảnh gia, nhà lý luận nổi tiếng người Nga Alecxandr Lapin cho rằng bất kỳ nhiếp ảnh gia nghiệp dư nào, nếu rất may mắn, anh ta có thể chụp được một bức ảnh có giá trị về nghệ thuật, sánh ngang các tác phẩm của các nghệ sỹ nhiếp ảnh. Nhưng, than ôi, chắc hẳn kiệt tác sẽ biến mất: nhiếp ảnh gia nghiệp dư  không thể hiểu những gì anh ta đã nhận được. Lapin còn đặt ra câu hỏi, nếu có một chuyên gia đánh giá được món quà của số phận ấy thì ai là tác giả của một kiệt tác này – chuyên gia hay một người nhấn nút máy ảnh mà sau đó đã không thể đánh giá đúng tính chất của bức ảnh ?
Con thuyền nhỏ. Ảnh: Alecxandr Lapin

Thử hình dung: Mỗi dịp lúa chín vàng trên Mù Cang Chải, Tú Lệ, hay mùa hoa tam giác mạch ở Đồng Văn… đều có hàng nghìn lượt người săn ảnh đông như trẩy hội với những chiếc máy ảnh đắt tiền nhất, phụ kiện tiên tiến và chuyên biệt đến săn ảnh. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không thể quanh năm suốt tháng “ăn chực, nằm chờ” ở các địa danh nổi tiếng, nhưng những người yêu nhiếp ảnh thì luôn có mặt, bởi họ luôn đông đảo. Và cứ thế sau mỗi “mùa thu hoạch ảnh”, trên các trang mạng xã hội, hàng triệu bức ảnh ra lò với đủ chất lượng thượng vàng hạ cám.
Kỹ thuật số đã thay thế công việc buồng tối, máy tính cùng các phần mềm tiện lợi và đa dạng giúp cho việc hậu kỳ làm ảnh trở nên dễ dàng và đại chúng. Trong thời đại nhiếp ảnh số, kết quả hình ảnh sẽ được hiển thị ngay lập tức. Kiến thức, kỹ năng chụp ảnh truyền bá hàng ngày trên các trang mạng khiến mọi người ai cũng có thể tự thành trở thành nhiếp ảnh gia. Nếu một người có chủ tâm và có ý thức tự đầu tư về kỹ thuật thì các kiến thức truyền tay hay các khóa học ngắn hạn vài tuần là đủ để hành nghề, chứ không nhất thiết phải dùi mài kinh sử 4 năm dưới mái trường  đại học. Các nhà sản xuất với mục đích quảng bá sản phẩm luôn đánh trúng thị hiếu "ngáo" công nghệ của khách hàng, hơn thế nữa, còn tổ chức rầm rộ các cuộc thi, triển lãm với sự tham gia đông đảo của những người yêu nhiếp ảnh. Ngoài ra, các công nghệ số khác như điện thoại, máy tính bảng gọn nhẹ với nhiều hỗ trợ thân thiện và cập nhật cho phép bất kể một ai cũng có thể chụp được ảnh.
Có những tác phẩm ảnh được coi là mới lạ thực ra lại là phiên bản của phong cách nước ngoài từ mấy chục năm trước. Rất nhiều những phong cảnh hóa thành tiên cảnh sau khi được “chế biến” qua những công cụ phần mềm máy tính. Hàng loạt ảnh phản ánh vùng miền, đời sống xã hội cứ na ná giống nhau về mô típ, nội dung. Nhiều nhiếp ảnh gia đang tự nghiệp dư hóa bằng ảnh ghép, ảnh xa rời hiện thực.
Vậy làm thế nào để có thể phân biệt được tính chuyên nghiệp trong nhiếp ảnh, giữa những người nghiệp dư “chơi ảnh” với người chụp ảnh chuyên nghiệp?
Người chơi ảnh là những “tay ngang” đã biết làm chủ thời điểm ghi hình, nắm chắc bố cục và không gian khuôn hình bức ảnh. Họ có thể rẽ trái sang nhiếp ảnh từ những con đường nghề nghiệp khác hoặc tự học hỏi, mày mò, được kèm cặp “chuyền tay”. Khi có được một vài bức ảnh được thừa nhận tại các triển lãm, cuộc thi ảnh có uy tín, họ mặc nhiên đã là nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Sự đam mê, khổ luyện cùng với những tích lũy thực tế giúp nhiều người trở thành những nghệ sỹ- nhiếp ảnh gia với đúng nghĩa. Nhưng phần đông còn lại vẫn là các nhà “sản xuất ảnh” theo cảm tính hoặc chạy theo những khẩu vị của cái đẹp chung chung, đôi khi hời hợt. Kết quả là những sản phẩm hình ảnh na ná giống nhau về một địa danh, vùng miền với những nước non, mây trời… Đa phần những bức ảnh hiện nay về ruộng bậc thang óng vàng trong mùa gặt ở Tây Bắc, mây luồn Sapa lộng lẫy trong nắng, hay bình minh Trại Mát- Đà Lạt … chỉ có thể “nịnh mắt” người xem trong chốc lát vì hình ảnh đẹp nhưng ý tứ giản đơn hoặc các tác giả trùng lặp nhau về góc nhìn, cách thể hiện. Giáo sư, tiến sỹ nghệ thuật học M. X. Kagan cũng từng chia sẻ về điều này: hình tượng nghệ thuật mô tả thiên nhiên không phải chỉ chứa đựng hình ảnh vật thể một cách đơn thuần, mà trong đó chủ yếu là nói lên tình cảm của con người đối với vật thể thiên nhiên ấy…, ảnh phong cảnh gây cảm xúc cho tâm hồn người xem, làm cho người xem xúc động thực sự chứ không phải là ngắm nhìn qua loa.
Các “nghệ sỹ” nhiếp ảnh mấy thế hệ qua còn thi nhau sáng tạo hình tượng người phụ nữ Chăm thông qua các cô gái đội nước qua đồi cát Nam Cương. Chỉ những người sống cùng đồng bào dân tộc Chăm ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước, Ninh Thuận mới hiểu điều này là không đúng bởi truyền thống người Chăm chí lấy nước giếng làng. Họa sỹ Chăm nổi tiếng Đàng Năng Thọ không dưới một lần phàn nàn với chúng tôi rằng: “hình ảnh đó chỉ có các ông chụp hình tự tạo. “Sáng tạo” ấy quá xa vời với văn hoá Chăm !!!!!!”. Và điều kỳ dị hơn nữa, cuộc thi ảnh gần đây của Pentax Việt Nam còn trao giải nhất cho bức ảnh các cô gái Chăm đội … vó tôm qua đồi cát (?) Nhiều bức ảnh phản ánh cuộc sống con người qua những nội dung mòn xáo, đơn diệu về hình thức thể hiện và cũng lộ rõ sự sắp đặt, phản ánh hiện thực không đúng với những lát cắt từ cuộc sống. Người xem đã gặp gỡ khá nhiều những thiếu nữ quê hái sen nhưng thực ra là đầm sen tại Hà Nội, người mẫu với yếm đào lụa pha nilon, trẻ em được trả tiền để cầm nơm úp cá, đường làng được thả khói trong nắng chiều để người nông dân dắt trâu về…
                                     Ảnh: Henri Cartier Bresson
Nhiếp ảnh không phải là điện ảnh! Tái hiện cuộc sống theo cách ước lệ không gian và thời gian như vậy thì nhiếp ảnh tự đánh mất mình, để tự mình trở nên yếu kém trước một lĩnh vực nghệ thuật khác là điện ảnh, một ngành nghệ thuật mang tính công nghiệp với tổ chức sản xuất đồ sộ. Nếu có người nào không nhìn ra sự “tức hứng nghệ thuật”của bản thân đời sống, toan biến cuộc đời thành cái tự tưởng tượng ra, tự đạo diễn ra sự kiện để chụp ảnh, “sắm vai” cho nhân vật thực, sắp xếp nhân vật theo lối sân khấu hay lối tranh cổ điển thì lúc ấy tấm ảnh nghệ thuật không còn nữa mà biến thành vật bịa đặt trông thảm hại (M.X. Kagan).  
Nói như thế không có nghĩa nhiếp ảnh chỉ là sao y bản chính cuộc sống một cách  tự nhiên chủ nghĩa. Nghệ thuật không phải là cái gương vô cảm thấy gì phản chiếu nấy. Người chụp ảnh cần phải lược bỏ các chi tiết ngẫu nhiên, không liên quan đến nội dung thể hiện để tập trung nhấn mạnh vào đối tượng, chủ thể ghi hình, tạo sự tập trung chú ý cho người xem trong một không gian mà anh ta xác định trước, hướng họ vào nhận thức theo chủ kiến của mình, tạo ra cảm xúc cần thiết bằng ánh sáng, tông sáng và gam màu. Nhiếp ảnh kế thừa hội họa những kiến thức về bố cục và màu sắc nhưng không thể bắt chước hội họa. Các nghệ sỹ nhiếp ảnh có thể chụp được những bức ảnh đẹp như tranh vẽ. Nhưng hội họa không thể có được tính chân thực của nhiếp ảnh. Sản phẩm  của nghệ sỹ nhiếp ảnh “vẫn gây ra ấn tượng chân thực, chứ không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ đó là kết quả của óc tưởng tượng như các tác phẩm nghệ thuật khác” (M.X Kagan). 
Người chụp ảnh chuyên nghiệp biết phân biệt rõ ràng ảnh nghệ thuật và ảnh tài liệu- báo chí. Ảnh nghệ thuật không nhất thiết phụ thuộc tuyệt đối vào ý nghĩa xã hội của đối tượng mô tả. Đó là sự “chơi” của bố cục, đường nét, của giai điệu ánh sáng, của nhịp điệu cũng như thời gian lộ sáng. Các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật vừa mang tính biểu trưng của hội họa, lại đầy ẩn dụ của thơ ca cũng như bày tỏ ý niệm của tác giả. Xét cho cùng thì thơ ca – là một nghệ thuật hàm chứa từ ngữ được biểu đạt trong một bài khóa. Cũng đúng như vậy với nhiếp ảnh- một nghệ thuật hàm chứa các chi tiết riêng lẻ vào một hình ảnh với ý nghĩa trọn vẹnTổ chức có nhịp điệu, phân lớp mặt phẳng, trọng âm-nhịp điệu  trong các yếu tố riêng biệt – tất cả điều đó cho phép khả năng để so sánh nhiếp ảnh với  thơ ca (A. Lapin). Các tác phẩm ảnh nghệ thuật không chỉ với mục đích ghi chép làm tư liệu hay phản ánh hiện thực mà còn nhằm truyền đạt đến người xem những cảm xúc thẩm mỹ và giá trị nhân văn. Nếu như bên trong ảnh nghệ thuật là hình tượng thì ảnh báo chí ghi lấy một khoảnh khắc lịch sử và gìn giữ cho tương lai” (chữ dùng của Brian Horton). Ảnh báo chí kể lại một câu chuyện bằng hình ảnh, là một hay những bức ảnh thời sự phản ánh những sự kiện, điểm nóng, kính tế, văn hóa, hoạt động của chính khách cũng như mọi nhân vật trong đời sống xã hội. Nếu chỉ loay hoay với tạo hình thì sự kiện sẽ trôi qua và nhiếp ảnh gia sẽ tuột mất thời khắc quý giá. Nắm chắc các thủ pháp tạo hình và ánh sáng là kiến thức chung của nhiếp ảnh gia, nhưng người chụp ảnh tài liệu và báo chí luôn phải đặt trước cho mình chức năng truyền đạt thông tin, không thể tự áp đặt các phong cách biểu hiện hình ảnh lên người xem. Sử dụng những ấn tượng thị giác trong ảnh báo chí nhiều khi làm mất tính trung thực của bản chất sự kiện hay con người cụ thể. Trong thực tế nhiều tác phẩm ảnh bị chơi vơi giữa nghệ thuật và báo chí. Có những bức đẹp về hình thức thể hiện nhưng ít thông tin, nội dung xa rời hiện thực, kiểu như người phụ nữ làng nghề bên cửa, chị em vùng cao bắt chấy cho con, hay những phụ nữ nông  thôn áo mới trong mùa gặt v.v…
Ảnh: Xergey Vaxiliev
          Người chụp ảnh chuyên nghiệp cần có kiến thức về lịch sử nhiếp ảnh để nắm rõ các bước phát triển của nhiếp ảnh, các trường phái, các tác gia nhiếp ảnh lớn trong và ngoài nước. Với kiến thức về các thể loại những khuynh hướng sáng tác qua các thời kỳ, nhiếp ảnh gia sẽ không phải mầy mò về thủ pháp thể hiện hoặc chạy theo những đề tài, xu hướng sáng tác nhất thời như các nghệ nhân ảnh thường mắc phải. Nhờ có những kiến thức nền người cầm máy chuyên nghiệp có thể tự tìm ra cách biểu hiện những gì quan sát được trong thực tế đời sống. Giai điệu màu sắc, phối cảnh, bố cục, góc độ thu hình… luôn là các công cụ tạo hình, cho phép người chụp ảnh gửi gắm vào tác phẩm của mình những ý nghĩa nghệ thuật giàu liên tưởng, tượng trưng và những khả năng gợi cảm.
Ảnh sưu tầm tại Gallery American gothic
Với đặc thù của nhiếp ảnh, giữa sáng tác của những người không chuyên và chuyên nghiệp, ít có sự cách biệt quá xa, nhưng nghệ thuật nhiếp ảnh có khả năng dạy cho rất nhiều người cách nhìn thế giới bằng con mắt của người nghệ sỹ (chữ dùng của M.X Kagan). Và tất nhiên, lời nhắn nhủ của ông dành cho các nhiếp ảnh gia theo đúng nghĩa.
PTH
Tài liệu tham khảo:
1.     A. Lapin,  Nhiếp ảnh là thế… , Nhà xuất bản Treemedia, Matxcva, năm 2013
2.     Berthond Beller , Suy nghĩ về nhiếp ảnh, NXB Điện ảnh- Nhiếp ảnh Lai Xích 1977, NXB Văn hóa HN 1986, người dịch Lê Phức.
3.     Brian Horton, Ảnh báo chí, NXB Thông tấn Hà nội, năm 2004
4.     M. X. Kagan, Mỹ học và ảnh nghệ thuật, NXB Văn hóa Hà Nội 1980, bản dịch Nguyễn Huy Hoàng)
                                                          

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC NHIẾP ẢNH, NHỮNG VẦN ĐỀ ĐẶT RA HÔM NAY

Tham thuận Hội thảo Hội nghị tổng kết công tác quản lý Mỹ thuật và Nhiếp ảnh 6/2017

                                            NSƯT- NSNA Phạm Thanh Hà Đại học SKĐA Hà Nội
 Là sản phẩm của khoa học kỹ thuật, nhiếp ảnh tuy sinh sau đẻ muộn nhưng kế thừa các thủ pháp nghệ thuật tạo hình trước nó. Khả năng phản ánh chân thực cuộc sống và nắm bắt khoảnh khắc đã khiến nền nghệ thuật non trẻ này nhanh chóng đi vào đời sống mọi tầng lớp xã hội. Trải qua gần 180 năm tồn tại và phát triển, nhiếp ảnh đương đại như một lĩnh vực hoạt động con người vượt quá cả đại chúng: Hình ảnh nhiếp ảnh được sử dụng trong mọi lĩnh vực, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, theo cách khác nhau phản ánh hình ảnh cũng như những khám phá cuộc sống….từ các bức ảnh thực hiện trong lĩnh vực khoa học chính xác, lưu lại nhanh chóng khoảnh khắc của các hiện tượng vật lý đang diễn ra, và cả thiên nhiên thơ mộng , phong cảnh trữ tình, phóng sự báo chí nóng bỏng, cũng như chân dung chuyên nghiệp được thực hiện trong các studio- Tiến sỹ, nhà sư phạm nhiếp ảnh Nga Dưco Lidia Pavlovna từng viết trong cuốn giáo trinh Các cơ sở bố cục ảnh)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm Triển lãm ảnh Thầy trò khoa Nhiếp ảnh đến với vùng than Đông-Bắc )20/11/2016)

Kỷ nguyên KTS tạo bước nhảy vọt trong công nghiệp ghi hình và phổ biến hình ảnh, không những hoàn thiện các phương tiện hành nghề hiện đại nhất mà còn đơn giản hóa đến mức tối đa, đem công việc chụp ảnh đến từng con người, từng chiếc điện thoại thông minh. Nhiếp ảnh đã không còn là sân chơi thời thượng như đầu và giữa thế kỷ trước, mà đang trở thành sinh hoạt thường ngày trong mỗi gia đình, sự kiện.
Nhiếp ảnh là một ngành đặc thù, bao quát những không gian mênh mông mỏi cánh cò, nhưng trong đó những đồ vật cụ thể cũng có thể cất tiếng nói . Nghệ thuật nhiếp ảnh là thế giới của những khoảnh khắc. Khoảng cách giữa nhiếp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư rất xa nhưng đôi khi lại quá mỏng manh. Một nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng sẽ có lúc phải ghen tỵ với một bức ảnh gặp thiên thời địa lợi trong một khoảnh khắc vàng của một tác giả nghiệp dư. Số lượng người chụp ảnh, chơi ảnh có cả triệu, thậm chí có thể hơn nữa, khi mà máy ảnh số, máy ảnh tự động  và điện thoại di động cũng tham gia vào tác nghiệp nhiếp ảnh. Đến mức Alecxandr Lapin, nhiếp ảnh gia lỗi lạc người Nga, người từng có hàng chục triển lãm nhiếp ảnh quốc tế và các tác phẩm được trưng bày và lưu giữ ở 5 bảo tàng ở Mỹ và châu Âu từng phải chua chát thốt lên: -  Bạn chỉ cần nhấn nút – hãng “Kodak” hứa rằng – tất cả những việc còn lại chúng tôi sẽ làm”. Nếu như trước đây để học cách chụp ảnh cần mất nhiều năm, thì giờ đây chỉ có mỗi một việc là sắm máy. Người chụp không còn phải lao tâm khổ tứ với kỹ thuật buồng tối, thời gian để “biết chụp ảnh”, giờ đây tất cả mọi thứ nằm trong tầm nhìn đều có thể chụp được, bởi vì đã có máy ảnh “tự biết chụp”.
  Con đường đến với nhiếp ảnh của các nhiếp ảnh gia muôn màu muôn vẻ, có thể tự mầy mò học qua cẩm nang chỉ dẫn của các trang mạng, có thể học truyền tay, chuyển  ngành từ các nghề khác. Không ít trong số đó đã thành danh với nhiều giải thưởng lớn. Và tiếp nữa còn một số lượng khá đông đảo khác cũng từng ngày tự đầu tư thiến bị hàng hiệu đắt tiền, chuyên dụng để quyết  … chơi ảnh.
Một câu hỏi đặt ra: - Liệu còn cần thiết đào tạo chuyên ngành nhiếp ảnh, khi mà các khóa dạy nhiếp ảnh ngắn hạn cũng có thể “truyền nghề” chụp ảnh, khi mà kiến thức nhiếp ảnh đã và đang được đưa vào thành môn học cơ sở ngành của các ngành xã hội nhân văn, văn hóa, báo chí và các ngành đặc thù khác ?
Câu trả lời lại là càng cần thiết.
Trong xã hội hiện đại với sự bùng nổ của thông tin kinh tế văn hóa xã hội, nhu cầu về hình ảnh (điện ảnh, truyền hình, nhiếp ảnh) ngày càng trở nên bức thiết. Theo con số thống kê từ Bộ TT Truyền thông ( http://www.mic.gov.vn/) tính đến ngày 31/12/2015 cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí trung ương, 137 tạp chí địa phương), 01 hãng thông tấn quốc gia. Có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. Trong 5 năm (2010-2015), tăng 44 cơ quan báo chí điện tử. Cả nước có 67 đài phát thanh truyền hình (2 đài quốc gia là: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC trước đây thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nay trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài địa phương). Chỉ tính riêng lĩnh vực ảnh phục vụ báo chí mỗi ngày cũng vài chục nghìn ảnh báo chí được đăng tải. Sự phát triển vượt bậc về số lượng ảnh không đi cùng chất lượng. Trên các phương tiện truyền thông dễ thấy nhiều bức ảnh yếu kém cả về hình thức lẫn nội dung hoặc gán ghép ý nghĩa... Trong lĩnh vực truyền thông đại chúng nhiếp ảnh luôn có mặt trong các vị trí tiên phong, như một lát cắt mạnh mẽ của văn hóa đương đại, vị trí của nó trong gia đình nghệ thuật, đóng góp của nó vào nhận thức thế giới quan, nhân sinh quan, giáo dục chân-thiện-mỹ và các giá trị nhân văn, như một phương tiện sắc bén trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực xã hội…
Đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao đồng nghĩ với nhu cầu về các giá trị tinh thần ngày càng lớn. Bên trong nền công nghiệp giải trí có sự góp mặt của nhiếp ảnh với các lĩnh vực quảng cáo, thời trang, design, nhiếp ảnh sự kiện hay các hình thức nhiếp ảnh ứng dụng khác …  đòi hỏi sự đáp ứng của các tay máy chuyên nghiệp với trình độ văn hóa, thẩm mỹ cao.
Nhiếp ảnh- nghệ thuật của cảm xúc. Tuy ra đời sau nhiều lĩnh vực nghệ thuật truyền thống khác nhưng nhiếp ảnh đã khẳng định được vị thế của nó trong làng nghệ thuật không chỉ nhờ tính tài liệu cao mà ngày càng giàu có ngôn ngữ biểu hiện cùng chất thơ. “… trong bức ảnh tương tự như trong cấu trúc của thơ ca. Đó là vần điệu – là sự liên kết, là nội dung được tạo ra giữa các từ ngữ – hình ảnh, là sự ăn nhịp giữa các dấu hiệu – hình thức và nhiều cái khác nữa. Đặc biệt, hình ảnh có thể ngắn gọn giống như thơ trữ tình, trong đó nó phải im lặng nhiều hơn là được nói. Và quan trọng nhất – đó là khả năng tạo ra tính đa dạng, trong đó có thơ ca, chính hình ảnh mang tính biểu tượng đã tạo ra sự liên kết.”- Alecxandr Lapin đã viết trong cuốn sách Nhiếp ảnh là … (NXB Tremedia Moskva 2013). Kiến thức tạo hình được đúc kết từ các tác phẩm nhiếp ảnh kinh điển, phương pháp sáng tác và hệ thống nguyên tắc của nó, hình tượng nhân vật trong hiện thực cuộc sống, các giá trị tư tưởng, tính lãng mạn, diễn đạt tác phẩm, tính ước lệ … không thể truyền đạt trong các chương trình dạy chụp ngắn hạn, càng không thể lồng ghép trong những “cẩm nang nhiếp ảnh”.
Đào tạo nhiếp ảnh trong trường đại học không có nghĩa là chỉ dạy một số bố cục thông thường cùng kỹ thuật cơ bản, mà còn là công việc truyền đạt các kỹ năng sáng tác cơ bản, kiến thức văn hóa, giảng dạy và đúc kết các khuynh hướng sáng tác, sự hình thành và phát triển của các thể loại nhiếp ảnh của thế giới và Việt Nam.
    Từ năm 1998, Khoa Nghệ thuật Điện ảnh trường Đại học Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội đã bắt đầu đào tạo nhiếp ảnh hệ cao đẳng. Đến năm 2005, Khoa Nhiếp ảnh ra đời và chính thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nhiếp ảnh hệ đại học. Nhờ có sự quan tâm sâu sắc của BGH trường ĐH Sân khấu Điện ảnh HN,  Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam và sự đóng góp tích cực của nhiều giảng viên có uy tín, cùng các nhà hoạt động nghệ thuật nổi tiếng, Khoa Nhiếp ảnh đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong. Qua 19 năm đào tạo, hàng trăm cử nhân nhiếp ảnh đã thành nghề và đang vững vàng đảm nhận nhiệm vụ sáng tác, hoạt động báo chí hoặc trong các lĩnh vực văn hóa xã hội khác. Nhiều lứa sinh viên đã và đang làm vẻ vang thêm danh tiếng của Khoa Nhiếp ảnh và nhà trường bằng các giải thưởng nhiếp ảnh cùng các thành tích trong công tác tại mọi miền đất nước …
Chuyên ngành Nhiếp ảnh báo chí ra đời, bắt đầu tuyển sinh kể từ năm học 2015 - 2016, đánh dấu sự trưởng thành của Khoa Nhiếp ảnh, là kết quả của trí tuệ, sự đồng lòng và nỗ lực của tất cả các thế hệ giảng viên của khoa và nhà trường. Số lượng thí sinh thi đầu vào hằng năm tuy tăng ít, nhưng vẫn là những con số có ý nghĩa so với thực trạng chung của tuyển sinh đại học. Điều đó vẫn nói lên sự hấp dẫn của Khoa Nhiếp ảnh-  địa chỉ đào tạo nhiếp ảnh hệ đại học có uy tín trong cả nước, nơi hàng năm cung cấp cho xã hội một đội ngũ những nhà nhiếp ảnh có chuyên môn, có nghề, phát huy được trong môi trường chuyên nghiệp. 

Hội thảo khoa học Bàn về đào tạo Nhiếp ảnh báo chí (12/2016)
Nhằm phục vụ tốt công tác đào tạo nghệ thuật nhiếp ảnh, những năm qua Khoa Nhiếp ảnh không ngừng hoàn thiện chương trình đào tạo, từng bước xây dựng giáo trình, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giảng viên, tập hợp đội ngũ chuyên gia và giảng viên có uy tín. Khoa Nhiếp ảnh cũng thường xuyên sắp xếp các buổi học chuyên đề nhằm giới thiệu những khuynh hướng, phong cách sáng tác mới trong và ngoài nước. Trong chương trình đào tạo của hai chuyên ngành Nhiếp ảnh Nghệ thuật và Nhiếp ảnh Báo chí đều có các đợt thực tế tại các địa phương tại Đông Bắc, Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp cận với cuộc sống nhiều màu sắc và biến kiến thức học tập thành kỹ năng sáng tác.
Từ năm học 2014 - 2015, được sự giúp đỡ của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Khoa Nhiếp ảnh bắt đầu tổ chức buổi học đầu tiên giới thiệu về lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam cho tân sinh viên tại Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh Việt Nam. Tạp chí Nhiếp ảnh, Tạp chí Mỹ thuật và Nhiếp ảnh cũng thường xuyên đăng bài và phản ánh các hoạt động đào tạo và sáng tác của các giảng viên và sinh viên. Các triển lãm ảnh sinh viên và các cuộc thi tài năng hàng năm đều được sự động viên đưa tin kịp thời trên Tạp chí Nông thôn mới, Lao động Xã hội, Pháp luật Plus, báo Sinh viên Việt Nam v.v… Khoa cũng đang có phổ biến và có kế hoạch tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về Nghị định 72/2016CP về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước nhằm giúp sinh viên nhận thức quyền; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh, về sáng tác và gửi dự thi, triển lãm các tác phẩm trong  nước, quốc tế, về bản quyền và trách nhiệm các tác giả trước pháp luật.
Với mục đích gắn bó việc giảng dạy với thực tiễn sáng tác, kể từ năm 2014 Khoa Nhiếp ảnh bắt đầu trưng bày các tác phẩm của giảng viên bên cạnh các tác phẩm sinh viên. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập nhà trường, tháng 12/2015 Khoa Nhiếp ảnh đã tổ chức Triển lãm ảnh Thầy trò - Kết nối đam mê nhằm tập hợp các sáng tác của các thế hệ thầy trò Khoa Nhiếp ảnh. Các tác phẩm trưng bày đã được in thành sách nhằm phục vụ công tác giảng dạy và quảng bá hình ảnh nhà trường. Đầu năm 2015, các nghệ sỹ - giảng viên Khoa Nhiếp ảnh, Khoa Mỹ thuật, Khoa Truyền hình, Trung tâm Âm thanh Ánh sáng đã tham gia trại sáng tác của Bộ Văn hóa tại Đà Lạt. Triển lãm ảnh - mỹ thuật “Ấn tượng miền Trung” tháng 5/2016, triển lãm ảnh “Nhiệt” của giảng viên các Khoa Nhiếp ảnh và Khoa Mỹ thuật tháng 12/2016.
Tuy nhiên, nhiệm vụ đào tạo nhiếp ảnh chuyên ngành hệ đại học của Khoa Nhiếp ảnh Đại học sân khấu điện ảnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức  không nhỏ. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao về chuyên ngành cũng như đạt các tiêu chuẩn sư phạm của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn khá mỏng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đòi hỏi những kiến thức cùng các chuẩn mực kỹ thuật mới. Các khái niệm, thuật ngữ về ảnh nghệ thuật và ảnh báo chí vẫn còn gây bàn cãi trong các hoạt động nghề nghiệp khiến sinh viên đôi lúc không biết tin vào đâu, nghe ai. Những trường phái sáng tác đương đại ảnh hưởng từ nước ngoài đem lại nhiều mới lạ nhưng cũng khiến các bạn trẻ đang học tập chưa đủ bề dầy kiến thức và thiếu thực tiễn sáng tác dễ đi chệch hướng cơ bản. Các trang mạng trong và ngoài nước khó kiểm soát dẫn đến sự lệch lạc cảm quan thẩm mỹ của sinh viên. Văn hóa đọc sách đang bị thách thức trước sự phát triển của mạng xã hội khiến số đông sinh viên xa rời với thư viện. Sự phát triển của truyền thông đa phương tiện đòi hỏi cả người dạy lẫn người học cùng phải cập nhật thông tin để tiếp thu những kiến thức mới trong đời sống xã hội. Ngoài ra, các hoạt động nhiếp ảnh thương mại đầy hấp dẫn với những cơn sốt ảnh dịch vụ, kỷ yếu khiến một phần sinh viên bị cuốn hút, sa đà quá mức dẫn đến nghỉ học, đi học muộn ảnh hưởng học tập. Một số sinh viên sau năm thứ nhất thứ hai tự cho mình chụp ảnh thành thạo đã hối hả lao vào công cuộc kiếm tiền trước mắt mà lơ là việc nâng cao và hoàn thiện kiến thức học tập. Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy dù được cải thiện nhiều nhưng so với sự phát triển vũ bão của công nghệ hiện đại vẫn còn khá khiêm tốn, thậm chí lạc hậu. Khung chương trình đào tạo và đề cương môn học nhiếp ảnh báo chí được hoàn thành chậm do giữa các giảng viên viên tham gia biên soạn đôi lúc còn chưa nhất quán về nội dung truyền đạt. Giữa kiến thức đào tạo so với thực tiễn còn có sự khoảng cách. Thực tế cho thấy không ít sinh viên ra trường khi nhận việc chậm thích nghi với công việc.
Tại cửa lò Khai trường than thuộc Công trường than 917- Hạ Long

Sinh viên khoa Nhiếp ảnh đi thực tế sáng tác tại bản Lìm Mông, huyện Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ-Yên Bái

                               Triển lãm ảnh nghệ thuật Kết nối đam mê tại ĐHSKĐA Hà Nội
Đào tạo nhiếp ảnh trình độ đại học không chỉ cung cấp cho xã hội những người có khả năng sáng tác ảnh mà còn có trình độ, không chỉ làm chủ chuyên môn trong các lĩnh vực tạo hình nhiếp ảnh, báo chí, tuyên truyền, các công việc truyền thông đại chúng khác mà còn cung cấp nhân lực cho một số lĩnh vực đặc thù của an ninh và quốc phòng. Kiến thức văn hóa chung cùng với kỹ năng nghề nghiệp sẽ giúp các nhà chuyên môn tương lai vững vàng trong nghề nghiệp, thích ứng với sự phát triển kinh tế, văn hóa của xã hội.
Thực tiễn giáo dục và đào tạo nhiếp ảnh của Đại học Sân khấu điện ảnh 19 năm qua cho thấy các thế hệ giảng viên và sinh viên của Khoa Nhiếp ảnh đã và luôn biết cách vượt qua những khó khăn và thử thách để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang của mình.
P T H