Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Hình tượng nghệ thuật trong nhiếp ảnh


Eugene Smith Đường tới thiên đường

  Th.Sỹ Lê Minh Yến

  Tôi xin bắt đầu bằng một giai thoại “Viện hàn lâm im lặng”. Họ – cái viện hàn lâm dè xẻn lời nói để chú tâm vào công việc ấy đã đủ 100 hội viên. Một hôm có một người đến xin ra nhập. Ông viện trưởng, người tiêu biểu cho thể thức im lặng của viện mình với vẻ lịch sự, bày ra trước mặt khách một li nước đầy tới miệng. Động tác đó có ý “ngài thấy đấy, cái li nước đã hết sức chứa”. Người khách không một chút bối rối, ông ngắt một cách hoa hồng và thả nổi trên mặt nước. Hành động thay câu trả lời “Các ông coi, thêm tôi, ly nước đầy chỉ thêm đẹp ra” và ông ta được mọi người chấp nhận. Chính cái ý tứ bên trong mới làm cho hình ảnh mang tính hình tượng có thể nói lên và hiểu được. Hình tượng có sức diễn tả nhiều ý nghĩa, làm cuộc sống đẹp lên và thông minh ra.

 Ảnh: Sergey Vasiliev 1977
                   

   Hình tượng nghệ thuật ở nhiếp ảnh là hình tượng thị giác như ở hội hoạ, nhưng khác ở chỗ nghệ sĩ xây dựng hình tượng nghệ thuật bằng cách trực tiếp trước đối tượng đang tồn tại. Với máy ảnh chính xác về cơ khí cùng với phản ứng quang, hoá học mau lẹ, hình tượng nghệ thuật nhiếp ảnh tạo ra khả năng riêng biệt.

   Hình tượng nghệ thuật là phương tiện truyền tải nội dung cuộc sống được phản ánh của người nghệ sĩ và người thưởng thức tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật trong đấy để  nhận thức cuộc sống theo như tác giả đã nhận thức.

   Có người nói rằng nhiếp ảnh là nghệ thuật ứng tác ngay tại chỗ, việc hình thành các tác phẩm chỉ tính bằng phân số nhỏ của giây. Vậy đâu là giai đoạn để xây dựng hình tượng. Thế nhưng cái “giây phút quyết định” (H.C.Bensson) trong nhiếp ảnh lại là kết quả của ngàn ngày trải nghiệm phía trước, ghi dấu trí tuệ, tình cảm, năng lực của người cầm máy. Nếu nụ cười ẩn sâu trong những dòng nước mắt, nỗi sợ hãi, đau đớn chìm đi trong vẻ mặt lặng lẽ của con người, nhà nhiếp ảnh không trải nghiệm, không đồng cảm sẽ không bao giờ nhận dạng được rất nhiều tảng băng trôi trong cuộc đời. Hình tượng và năng lực của người cầm máy giống như ngọn lửa đốt sôi bầu nước lạnh, làm nóng lên trong lòng người xem một cảm thức tư tưởng cần sẻ chia.

  Ví dụ như Walter Ballhause, nhà nhiếp ảnh Đức đầu thế kỷ XX đã bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh từ sự nghèo đói và lòng yêu mến nhiếp ảnh. Ông là nạn nhân của sự nghèo khổ, khốn cùng, của cuộc chiến tranh vì quyền lợi, mục đích và tham vọng của một nhóm ng­ười. Không chỉ ghi lại được hình ảnh cuộc sống của những con ng­ười cùng giai cấp, mà ông còn sớm phát hiện ra những dấu hiệu của chủ nghĩa Phát-xít. Hình ảnh những ngư­ời nghèo khổ đ­ược tái hiện bởi ánh sáng của nhiếp ảnh, rõ ràng và cụ thể. Bộ mặt đa dạng của cuộc sống lúc bấy giờ d­ường như­ đ­ược hồi sinh tr­ước mắt mọi ng­ười. Sự bóc lột, tình trạng suy đồi về đạo lý đ­ược giãi bày bằng hình ảnh.                                                                                        

                                        Ảnh: Walter Ballhause 

    Nhưng việc xây dựng hình tượng nhiếp ảnh nhiều khi đầy ngẫu hứng. Ví dụ như khi chiều vừa xuống, không khí lạnh hơn, trời lại thêm mưa. Trong một xóm nhỏ nọ vắng lặng chỉ có 3 người đi, 2 người là tình nhân, đứng sát lấy ô che mưa cho nhau, còn người kia lẻ bóng. Chợt thấy họ giống như câu hát : “Một ngưòi đi với một người, một người đi với nụ cười lẻ loi, hai người vui biết bao nhiêu, một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn”. Dù rất có thể họ là những người xa lạ, nhưng sao ta vẫn chạnh lòng bởi ai cũng đều sự kiếp sống cô đơn, lạc loài. Hay như ta đứng trước cảnh biển mênh mông trong mùa đông lạnh gía. Lại thấy một đứa bé tuổi còn niên thiếu ánh mắt xa xôi đón chờ cha nó. Hỏi ra mới biết ngày nào cũng thế, dù thời tiết thế nào nó cũng bước đi với đôi chân dã tràng, và chờ đợi. Đã bao năm, cha nó bao giờ chở về? Đứng trước những hình ảnh, thân phận ấy nhà nhiếp ảnh còn chờ gì nữa mà không bung lòng mình ra, để trái tim mình thổn thức đập cùng nhịp với trái tim của người đời. Hay nói như Cauth - phóng viên ảnh AP thì “với chiếc máy ảnh ta chính là đôi mắt của bạn đọc, của người xem,và ta phải đưa họ đến nơi đó… đâu phải lúc náo ta cũng là một kẻ chai lì. Ta không thể nào không biết bật khóc”.

L.M.Y


Phong cách quay phim tài liệu của đạo diễn– quay phim Ron Fricke

Bùi Việt Hưng
Quay phim Điện ảnh K30 ĐHSKĐA
   Trong lĩnh vực điện ảnh có 2 thể loại phim chính là phim truyệnphim tài liệu. Sự khác nhau cơ bản ở chỗ phim truyện là loại phim có yếu tố diễn xuất của diễn viên còn phim tài liệu ghi lại những hình ảnh ngoài thực tế. Vì thế người quay phim trong từng thể loại có vai trò khác nhau và có yêu cầu về kiến thức chuyên môn khác nhau.
   Người quay phim trong phim tài liệu vừa là nhà quay phim vừa là đạo diễn hình ảnh của bộ phim. Nhiệm vụ của người quay phim là thông qua ý đồ của đạo diễn, ghi lại hình ảnh dưới con mắt của mình để truyền tải thông tin cho khán giả. Khác với phim truyện có thể can thiệp trực tiếp vào diễn viên hay diễn lại nhiều lần, những sự kiện hoặc hành động của nhân vật trong phim tài liệu chỉ diễn ra một lần, vì thế đòi hỏi người quay phim tài liệu phải có tư duy hình ảnh để có thể dựng phim khi hậu kì. Nhà quay phim cần phải tính trước được những hình ảnh cần có, từ đó chọn địa điểm đặt máy và góc máy để được hình ảnh thể hiện được ý đồ của đạo diễn. Nhà quay phim lúc này là người làm chủ khuôn hình của mình và đưa ra quyết định trong việc bấm máy.
   Nhà quay phim tài liệu cần nắm vững chắc về kĩ thuật. Trước khi làm phim tài liệu sẽ có kịch bản dự kiến để có nội dung xuyên suốt cả bộ phim, nhưng có những tình huống bất ngờ xảy ra nằm ngoài ý đồ của đạo diễn nhưng mang lại những hình ảnh ý nghĩa và đắt giá cho bộ phim thì người quay phim cần có sự quan sát nhanh nhạy và tinh tế để có thể đoán trước được và kịp ghi lại những khoảnh khắc đó, không cần có sự chỉ đạo của đạo diễn. Đồng thời người quay phim phải hiểu rõ về kĩ thuật để chủ động trong việc cài đặt máy quay và có thể nhanh chóng ghi lại được hình ảnh trước khi nó kết thúc.
   Quay phim tài liệu thường ít sử dụng đến chiếu sáng theo ý đồ của người quay phim vì điều kiện không cho phép, đèn ảnh hưởng đến nhân vật–sự kiện dẫn đến mất tính chân thực, hay có thể là không đủ thời gian để bố trí. Vì vậy người quay phim tài liệu cần phải hiểu rõ về ánh sáng và màu sắc. Người quay phim cần phải tùy theo sự việc, lựa theo ánh sáng sẵn có để bố cục khuôn hình sao cho có lợi nhất và đẹp nhất. Người quay phim cần phải hiểu rõ được nguồn sáng tự nhiên như nhiệt độ màu hay vị trí, ánh sáng của mặt trời các giờ trong ngày để có thể nhanh chóng bố cục khuôn hình và lựa chọn ánh sáng, màu sắc theo ý đồ của mình.
   Ngoài kiến thức về chuyên môn, người quay phim tài liệu cần phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến kịch bản phim đang thực hiện. Khác với phim truyện, các tính cách, tính chất nhân vật hay sự việc đều nằm trong kịch bản, phim tài liệu thường có chủ đề về các vấn đề xã hội, liên quan đến con người thật, sự việc thật muôn màu muôn vẻ ở ngoài cuộc sống. Vì vậy để nắm bắt và truyền tải được qua hình ảnh, người quay phim cần phải có một phông kiến thức nhất định để hiểu được những ý nghĩa nằm sau những sự việc đó.
   Ron Fricke là một nhà đạo diễn và quay phim người Mỹ. Ông được coi là bậc thầy về quay time-lapse (quay từng hình) và quay phim nhựa khổ lớn. (Bộ phim Bakara năm 1992 là bộ phim nhựa quay bằng phim 70mm và đầu tiên được chuyển thành độ phân giải 8K). Bộ phim đầu tiên ông quay là Koyaanisqatsi năm 1982. Đây là bộ phim tài liệu của đạo diễn Godfrey Reggio được quay tại rất nhiều địa điểm của nước Mỹ. Bộ phim không có lời bình hay đối thoại của nhân vật, toàn bộ phần nhạc trong phim được viết sau này theo từng phần trong phim bởi nhạc sĩ. Ảnh hưởng từ phong cách phim tài liệu này, Ron Fricke đã tự mình vừa làm đạo diễn vừa quay phim cho 3 bộ phim tài liệu sau này của ông là Chronos (1986), Bakara (1992) và Samsara năm (2011). Khác với các phong cách quay phim tài liệu bình thường, 3 bộ phim đều không có cốt truyện, không có nhân vật. Cả 3 phim đều được thực hiện trong thời gian rất lâu, tốn nhiều năm vì các cảnh quay được quay ở rất nhiều địa điểm ở nhiều quốc gia, xuyên suốt cả 5 lục địa.    Trong phim không sự dụng lời bình và lời thoại nhân vật và nhạc phim được viết sau này. Phim được quay bởi máy quay phim nhựa và hình ảnh trong phim đều được quay rất đẹp và bố cục chỉn chu, thể hiện sự tính toán trước rất cẩn thận của người quay phim. Trong phim không có động tác máy mạnh, không sử dụng ống kính zoom, chủ yếu là các khuôn hình fix và lia rất nhẹ. Phim sử dụng nhiều kĩ thuật quay đặc biệt là quay time-lapse- quay từng hình.
   Để quay các hiện tượng xảy ra lâu, kéo dài hàng giờ như mây trôi, tia sáng mặt trời,... hay thậm chí hàng ngày như cảnh từ sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau, Ron Fricke đã sử dụng kĩ thuật quay đặc biệt để thực hiện. Quay từng hình là để máy quay theo chế độ ghi từng hình theo một cho kì được tính toán sẵn. Ở những cảnh quay từng hình thông thường, máy quay luôn phải cố định chắc chắn trong suốt quá trình thực hiện ghi hình nên hình ảnh cho ra luôn là hình fix. Ron Fricke không muốn những cảnh quay từng hình thông thường, ông muốn phát triển nó lên một mức độ cao hơn. Trong phim, các cảnh quay từng hình thường kèm theo các động tác máy như lia, dolly hay boom. Điều này đòi hỏi phải có một thiết bị để chuyển động máy quay cùng với chu kì ghi hình. Chuyển động của thiết bị này được lập trình sẵn, đều đặn và chính xác theo chu kì ghi hình của máy quay để có được một cú máy hoàn thiện.
                             







Ron Fricke (trái) đang cài đặt cho một cú máy quay từng hình


   Một cú máy quay từng hình có chuyển động cần có sự chuẩn bị cẩn thận và kĩ lưỡng. Đầu tiên người quay phim phải biết mình muốn hình ảnh như thế nào và hình dung trước được hiệu quả của cú máy. Từ đó người quay phim sẽ tính trước sự việc diễn ra trong bao lâu để có thể tính toán điểm đầu, điểm cuối và quãng đường cũng như thời gian chuyển động của máy.Với những cảnh quay từng hình với thời gian dài, khu vực được quay phải đảm bảo không có gì bất thường diễn ra nếu không sẽ có thể hỏng cả cú máy. Ở ngoại cảnh, ánh sáng thường xuyên thay đổi và nếu quay từng hình với thời gian dài như ban ngày chuyển sang ban đêm, người quay phim phải tính toán trước lộ sáng cho từng thời điểm để đảm bảo về mặt kĩ thuật cho hình ảnh. Ngoài ra ngoại cảnh còn nhiều yếu tố tác động như mưa gió hay bụi bẩn có thể ảnh hưởng đến máy quay đòi hỏi phải có thiết bị bảo vệ chuyên dụng.

                          Cảnh quay time-lapse từ ngày sang đêm.


   Phim tài liệu hiện nay có rất nhiều phong cách và hình thức thể hiện khác nhau. Có những phim tài liệu lấy lời bình làm chủ yếu và hình ảnh chi để minh họa cho lời bình. Những phim khác muốn tạo góc nhìn chân thật, muốn đưa khán giả vào trong câu chuyện thì dùng máy vác vai, như góc nhìn thứ nhất với khuôn hình không ổn định. Hoặc có những quay phim thường chớp những khoảnh khắc ý nghĩa, coi trọng thông tin trong cảnh quay quan trọng hơn những vấn đề về bố cục hay kĩ thuật. Ron Fricke thì áp dụng trong phim của mình một phong cách hình ảnh khác. Hình ảnh trong phim của ông luôn rất đẹp, các khuôn hình của ông thường được bố cục một cách ngay ngắn và cẩn thận. Trước khi bắt đầu quay một cảnh, Ron Fricke tính toán kĩ càng về góc máy và ánh sáng để có thể có được hình ảnh đẹp nhất.
  Ron Fricke cũng rất ít sử dụng động tác máy, hầu hết các các cảnh của ông là những cảnh fix. Các cảnh có động tác máy của ông thường rất nhẹ, từ những cú lia, dolly hay boom đều chậm rãi.
  Ngoài các cảnh quay đẹp, nhiều hình ảnh trong phim mang nội dung nhiều ý nghĩa, ẩn dụ gây ấn tượng cho khán giả, đặc biệt là các hình ảnh đối lập trong cùng 1 khuôn hình.

              Một thầy tu chậm rãi bước đi từng bước giữa dòng người hối hả

Lễ tang của một người đàn ông trong quan tài hình khẩu súng nối tiếp bằng hình ảnh những khẩu súng nhỏ đang được sản xuất
   Phim không có nội dung hay cốt truyện, cũng như không có nhân vật cụ thể, nên để kết nối giữa các cảnh quay, nhà quay phim đã phải tính trước nội dung của các cảnh quay. Thường để kết nối giữa 2 cảnh quay ở 2 nơi khác nhau, hình ảnh thường có điểm chung hoặc so sánh, để mang lại ý nghĩa cho người xem.
   Cận cảnh trong phim tài liệu thường được dùng là những cảnh miêu tả cảm xúc hoặc cảnh phỏng vấn nhân vật. Các nhà làm phim tránh để nhân vật nhìn vào ống kính vì như vậy sẽ làm người xem có cảm giác mất tự nhiên và chân thực. Nhưng trong phim của mình, Ron Fricke luôn để nhân vật nhìn vào máy khi ở cận cảnh.
   Bố cục của cận cảnh thường để nhân vật vào giữa khuôn hình, góc máy ngang tầm mắt và cỡ cận-đặc tả để xóa hậu cảnh, gây sự tập trung của khán giả vào nhân vật, đặc biệt là đôi mắt. Các cận cảnh ngoài ngoại cảnh hay trong nội cảnh đều có đều có ánh sáng rất đẹp và thường sử dụng thêm các thiết bị chiếu sáng. Cú máy thường để dài, nhân vật nhìn thẳng vào ống kính máy quay và không cử động hay biểu lộ cảm xúc, gây ra sự ám ảnh với người xem.
    Có rất nhiều phong cách làm phim tài liệu hiện nay, vai trò của hình ảnh càng ngày được coi trọng. Công nghệ điện ảnh ngày càng đem lại cho các nhà phim nhiều thủ pháp biểu hiện ngôn ngữ hình ảnh mới. Những phim tài liệu mới hiện nay sử dụng lời bình cũng như lời thoại của nhân vật rất hạn chế, nội dung đều được thể hiện qua bố cục hình ảnh cùng tiết tấu, nhịp điệu thông qua kết nối các cảnh quay của phim. Để có được như vậy, ngoài nắm chắc những kiến thức về kĩ thuật, bố cục khuôn hình, ta còn phải bổ sung kiến thức về nhiều lĩnh vực xã hội để hình ảnh đẹp và mang ý nghĩa mà các tác phẩm của Ron Fricke là những thí dụ tiêu biểu.
BVH